Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở là quá trình phổ biến, truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện.
Giáo dục LLCT được thực hiện theo các chương trình quy định nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan cộng sản, tạo nên bản lĩnh chính trị, niềm tin có cơ sở khoa học, vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần tự giác và tích cực trong các hoạt động xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Bởi vậy, giáo dục LLCT mang những nét đặc thù riêng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục LLCT cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng giai đoạn 2006 - 2010. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá X, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 14-CTr/TU, đề ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động giáo dục LLCT.
Về phương pháp giảng dạy và học tập LLCT, những năm trước đây, giảng viên giảng dạy chủ yếu bằng phương pháp thuyết trình, độc thoại, ít sử dụng các phương pháp đối thoại, hỏi đáp, thảo luận nhóm, nghe nhìn, tham quan thực tế,… nên việc mở rộng tầm nhìn, gắn lý luận với thực tiễn, phát huy tính năng động sáng tạo của học viên bị hạn chế.
Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU, theo nguyện vọng của đội ngũ giảng viên, Thường trực Tỉnh uỷ giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Trường Chính trị tỉnh phối hợp mở các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên của các TTBDCT và đảng uỷ trực thuộc.
Qua các đợt bồi dưỡng, các giảng viên đã được trang bị những kiến thức, kinh nghiệm cơ bản nhất về phương pháp giảng trên lớp, quy trình lên lớp, nghệ thuật trình bày bài giảng về LLCT cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, kỹ năng soạn giáo án, kinh nghiệm điểu khiển một buổi thảo luận… Một số Trung tâm đã tổ chức được hội thảo chuyên đề về “Nâng cao chất lượng học tập LLCT cho cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay”, “Học tập phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh” như TTBDCT Thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ… Từ đó, chất lượng giảng dạy ở các Trung tâm đã từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, đại đa số các giảng viên chưa qua tập huấn nghiệp vụ sư phạm; do bận nhiều công tác, ít dành thời gian nghiên cứu sâu tài liệu nên ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng. Việc dự giờ để trao đổi, tham gia góp ý về nội dung giáo án, kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp truyền đạt trong đội ngũ giảng viên còn hạn chế. Cá biệt, có giảng viên còn bảo thủ, ngại đổi mới.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, thiết thực xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, công tác giáo dục LLCT cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở cần chú trọng đổi mới phương pháp truyền đạt. Trong giảng dạy, bên cạnh một số phương pháp truyền thống, các giảng viên cần coi trọng đúng mức phương pháp dạy học nêu vấn đề. Việc giảng dạy LLCT tại các Trung tâm không thể theo lối truyền thụ toàn bộ nội dung giáo trình và học viên tiếp thu một cách thụ động mà cần phải tìm cách gợi mở để kích thích học viên nỗ lực tư duy độc lập, chủ động trong việc đón nhận tri thức và biết cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng lĩnh vực, từng tình huống cụ thể diễn ra ở địa phương.
Dạy học nêu vấn đề tạo ra khả năng tốt nhất để công tác giảng dạy LLCT gắn bó chặt chẽ với đời sống, với chính sách của Đảng. Để dạy học nêu vấn đề có kết quả, cần phải có quá trình chuẩn bị rất công phu; xác định tính chất, tình huống có vấn đề của bài giảng; điều tra trình độ của học viên để chọn phương án tạo ra tình huống cho bài giảng phù hợp. Điều đó đòi hỏi giảng viên phải kiên trì nghiên cứu và giàu tâm huyết với sự nghiệp giáo dục LLCT. Để vận dụng được phương pháp này, thiết nghĩ đội ngũ giảng viên:
- Có thể đặt học viên trước các hiện tượng của đời sống, đòi hỏi họ phải vận dụng những kiến thức đã học để giải thích bản chất của các hiện tượng đó.
- Có thể đặt câu hỏi nêu vấn đề trên cơ sở lựa chọn một số kiến thức trong bài giảng, gắn với các hiện tượng của thực tiễn địa phương để cắt nghĩa, lý giải.
- Có thể so sánh, đối chiếu những hiện tượng hoặc ý kiến mâu thuẫn nhau cần phải làm rõ để đi đến kết luận đúng đắn, đối chiếu quan niệm thông thường với quan niệm khoa học về một sự vật, hiện tượng...
Thực hiện được đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập nêu trên, việc giáo dục LLCT cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã theo xu hướng tiếp cận phát triển, phù hợp với thời đại. Các giảng viên hoàn toàn có thể nắm được những diễn biến tư tưởng cũng như quá trình phát triển của học viên. Khi đó học viên được coi là trung tâm, là người chủ động, tích cực tham gia vào quá trình giáo dục; giảng viên trở thành người cố vấn cung cấp thông tin, hướng dẫn học viên tìm kiếm hoặc thu thập thông tin, gợi mở xử lý những tình huống xảy ra trong thực tiễn. Hoạt động đó góp phần biến quá trình giáo dục trở thành quá trình tự giáo dục.