Xây dựng Hội vững mạnh là trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân

09:35, 28/09/2008

5 năm qua, công tác Hội và Phong trào nông dân Thái Nguyên có nhiều khởi sắc góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với phương châm "Phát triển kinh tế là trung tâm, công tác xây dựng tổ chức Hội là then chốt", các cấp Hội trong tỉnh đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương và của Hội, làm tốt công tác tuyên truyền vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, đưa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trong hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng, tham gia đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá với năng suất, chất lượng hiệu quả có sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Thông qua phong trào đã xuất hiện những cánh đồng cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha như gia đình hội viên Đỗ Thị Nhẫn; Bùi Thị Ca (xóm Thành Lập, xã Hồng Tiến, Phổ Yên); những mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập cao như: Gia đình hội viên Tạ Văn Tuyên (xóm Nhị Hoà xã Đồng Bẩm huyện Đồng Hỷ) thu nhập 200 triệu đồng/năm đã trừ chi phí; bà Đào Thị Bích Hằng (phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên) thu nhập bình quân 38 triệu đồng/nhân khẩu/năm; ông Nguyễn Văn Long (xóm Chùa, xã Hà Châu huyện Phú Bình) tổng thu nhập 150 triệu đồng/năm đã trừ chi phí

 

Đồng thời các cấp Hội thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hoá các hình thức thu hút nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Tỷ lệ nông dân vào Hội bình quân hằng năm tăng 2,5% nâng tổng số hội viên lên 134.589 hội viên sinh hoạt tại 2.657 chi hội đạt 79,46% (tăng hơn nhiệm kỳ V là 12%). Từ kết quả đó, hàng năm, xếp loại bình quân có 91,36% cơ sở Hội xếp loại khá trở lên trong đó 61,8% đạt vững mạnh; 85,9% chi hội xếp loại khá trở lên trong đó 50,1% xếp loại vững mạnh.

 

Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở Hội chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua chưa kịp thời, chưa nhân rộng các mô hình, khả năng tham mưu đề xuất với cấp uỷ, chính quyền về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động còn hạn chế, chưa kịp nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của hội viên, nông dân. Những hạn chế đó do năng lực của một bộ phận cán bộ Hội các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định "Đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân" đã được cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Với ý nghĩa đó nông dân vừa là chủ thể đồng thời là nguồn nội lực quan trọng của công cuộc Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Để đáp ứng với yêu cầu và xây dựng Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên ngày càng vữnh mạnh là trung tâm nòng cốt của phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

 

Một là: Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền vận động hội viên, nông dân nắm vững và thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền để nông dân dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ thực hiện nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.

 

Hai là: Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hướng mọi hoạt động về cơ sở. Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, thu hút nông dân vào Hội. Để thực hiện điều đó các cấp Hội cần tập trung lãnh đạo xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh, phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng. Xây dựng chi hội thực sự là đơn vị hành động, lấy hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng vận động thuyết phục quần chúng. Chủ động phối hợp với các ngành tạo điều kiện cho hội viên, nông dân sản xuất phát triển bền vững.

 

Ba là: Tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Để phong trào đi vào chiều sâu và thiết thực có bước phát triển mới về chất, các cấp Hội liên kết với Ngân hàng, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, các ngành làm tốt hoạt động tư vấn, hỗ trợ, tạo vốn, vật tư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phối hợp tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá cho hội viên, nông dân. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

 

Bốn là: Đẩy mạnh phong trào nông dân xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản, xã văn hoá. Vận động hội viên nông dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tham gia phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài ở nông thôn. Xây dựng nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

Những thành tích đạt được trong 5 năm qua là tiền đề cho các cấp Hội trong tỉnh có những bước phát triển vững chắc đáp ứng yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, xứng đáng là trung tâm nòng cốt của phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới góp phần cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII.