Cán bộ tư pháp vừa yếu vừa thiếu chuyên môn

08:00, 09/10/2008

 - 3 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, ngành tư pháp nêu ra thực trạng cán bộ tư pháp vẫn yếu và thiếu chuyên môn. Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết ngày 9/10, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, coi đó là khâu then chốt của cải cách tư pháp.

Bức xúc khiếu nại thi hành án dân sự

 

Báo cáo sơ kết đưa ra tại hội nghị cho biết trong năm 2008 vẫn tồn đọng 363 trường hợp khiếu nại liên quan đến thi hành án dân sự, 14 trường hợp tố cáo chưa giải quyết xong.

 

Ngành tư pháp thừa nhận tình trạng khiếu nại về thi hành án dân sự còn nhiều bức xúc là do cơ quan thi hành án chậm giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm tại nơi phát sinh khiếu nại. Bên cạnh đó, chấp hành viên, cán bộ thi hành án chưa thực sự tích cực, chủ động trong công việc.

 

Tuy nhiên, ngành tư pháp cũng chỉ ra việc một số bản án, quyết định bị hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, xét xử lại nhiều lần làm cho vụ việc kéo dài, án tuyên không rõ ràng, không sát thực tế dẫn đến khó thi hành, vấn đề bồi thường thiệt hại trong thi hành án dân sự chưa được giải quyết kịp thời.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban thứ nhất Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, yêu cầu ngành Tư pháp đẩy mạnh hoàn thiện tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự.

 

Theo Phó Thủ tướng, ngành tư pháp phải tích cực hoàn thiện thể chế làm cơ sở cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự, chuẩn hóa và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thi hành án, kiên quyết khắc phục tình trạng án tồn đọng kéo dài, giải quyết những vướng mắc, bất cập dẫn đến những khiếu nại bức xúc về thi hành án.

 

Đào tạo nhân lực tình thế

 

Ngành tư pháp thừa nhận thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp nói chung vẫn còn mang tính chất tình thế, chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch cụ thể để làm cơ sở cho việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

 

Trong khi đó thực tế đời sống của cán bộ, công chức ngành tư pháp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ quan thi hành án còn gặp nhiều khó khăn, lương thấp, chính sách đãi ngộ khác không có, nên không thu hút được cán bộ vào làm việc.

 

Ngành tư pháp nhận định việc đội ngũ cán bộ tư pháp nhiều năm thiếu hụt về lực lượng, yếu về chuyên môn đã trở thành khó khăn lớn đối với các cơ quan tư pháp nói chung và các cơ quan tư pháp địa phương nói riêng. Một trong những giải pháp đưa ra đó là triển khai việc đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp, nhất là đối với với cán bộ tư pháp cơ sở.

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng nêu rõ Bộ Tư pháp cần phải mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, coi đó là khâu then chốt của cải cách tư pháp, trong đó có việc đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp có vị trí đặc biệt quan trọng.