Tối 31/10, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam về đến Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 26 - 29/10 và Cộng hòa Mông Cổ từ ngày 30 - 31/10.
Hai bên cho rằng, cần tiếp tục mở rộng lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế; khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm các hình thức hợp tác phù hợp như đầu tư, liên doanh chế biến nông sản phẩm, sản xuất thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, khai thác và chế biến khoáng sản, đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển ngày càng hiệu quả, đem lại lợi ich thiết thực cho nhân dân hai nước. Phía Mông Cổ bày tỏ hoan nghênh Việt Nam đầu tư khai thác dầu mỏ, khoáng sản ở Mông Cổ.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo việc Việt Nam quyết định tặng nhân dân Mông Cổ 1.000 tấn gạo và đồng ý bán cho Mông Cổ 20.000 tấn gạo với giá không tính lãi, đồng thời viện trợ cho Mông Cổ một số xe cứu thương thay cho dự án viện trợ xây dựng Trạm thủy điện nhỏ mà hai bên đã thoả thuận trước đây. Phía Mông Cổ hoan nghênh Việt Nam hỗ trợ xây dựng Trung tâm văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường Phổ thông trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phía Việt Nam khẳng định ủng hộ những nỗ lực của Mông Cổ trong quá trình tham gia vào các tổ chức và diễn đàn đa phương ở khu vực, kể cả việc Mông Cổ xin gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Hai bên bày tỏ ủng hộ lẫn nhau trong việc Mông Cổ tham gia Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2010-2012 và Việt Nam tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2010-2013. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mời Tổng thống Nambaryn Enkhbayar và Phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Mông Cổ trước khi rời thủ đô Ulan Bator về nước, sáng 31/10, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ Mông Cổ Norovyn Altanhuyag đều nhấn mạnh hợp tác giữa giới doanh nghiệp hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Mông Cổ và Việt Nam còn rất lớn, các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường công tác xúc tiến và trao đổi thông tin, tìm hiểu về nhu cầu thương mại và đầu tư để giúp các doanh nghiệp hai bên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đề nghị chính phủ hai nước tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, kinh doanh vì điều kiện cả Việt Nam và Mông Cổ còn khó khăn, nếu không có sự trợ giúp từ Chính phủ thì doanh nghiệp khó có thể mở rộng hợp tác.
Phó Thủ tướng Altanhuyag khẳng định sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Mông Cổ. Ông nói hai bên có thể hợp tác xây dựng nhà máy lọc dầu, chăn nuôi gia súc... Chính phủ Mông Cổ thực sự mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các nhà máy sản xuất hàng hóa tại Mông Cổ, và ngược lại, Mông Cổ có thể xuất khẩu thịt cừu, thịt dê và các sản phẩm nông nghiệp, dầu mỏ sang Việt Nam. Hiện nay, Mông Cổ đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp và các lĩnh vực như khai mỏ, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng....
Năm 2007, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ mới đạt khoảng 5,7 triệu USD. Hiện có hơn 100 công ty Việt Nam đầu tư tại Mông Cổ. Nếu tính từ năm 1991 đến nay, tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Mông Cổ khoảng 22 triệu USD.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp Mông Cổ.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm và triển vọng phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Mông Cổ.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tổng kết: "Chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Liên bang Nga và Mông Cổ đã đạt được kết quả hết sức quan trọng. Vấn đề tiếp theo là hai bên cần chủ động và tích cực trong việc triển khai các thỏa thuận đã đạt được. Tôi nghĩ các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam cần quán triệt sâu sắc và chủ động thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Nga, quan hệ hữu nghị với Mông Cổ, nắm bắt thời cơ đang mở ra nhằm đưa quan hệ giữa Việt Nam với hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước của mỗi nước vì hoà bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới".