Luật phải cụ thể hóa, phân định rõ trách nhiệm

08:51, 20/10/2008

 Sáng 20-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức. Một lần nữa, vấn đề chính sách đãi ngộ đối với cán bộ có năng lực để họ yên tâm phục vụ trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội lại được các đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa trong nội dung luật. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

  Cụ thể chính sách “chiêu mộ hiền tài”

 

Một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức (CBCC) những tiêu chí về tài năng, cơ chế phát hiện, tuyển chọn người tài, loại công việc cần được khuyến khích. Đi kèm với việc chiêu mộ hiền tài phải có chế độ lương, nhà ở, những điều kiện để thu hút và giữ chân người có tài năng... Về vấn đề này, quan điểm của UBTV Quốc hội khẳng định, phát hiện tài năng và chính sách đãi ngộ đối với người tài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, do lĩnh vực làm việc khác nhau (y tế, khoa học, giáo dục, kinh tế, văn hóa...), việc phát hiện, tuyển dụng và sử dụng người có tài năng, chế độ đãi ngộ cụ thể cũng khác nhau. Vì vậy, Luật chỉ cần quy định một điều về nguyên tắc thể hiện chính sách của Nhà nước, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

 

 Có ý kiến đề nghị bổ sung một nội dung quy định chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với cán bộ, công chức phải bảo đảm nguyên tắc công bằng, phù hợp và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, thu hút CBCC, khắc phục được tình trạng thiếu thống nhất về chính sách tiền lương. Ngoài ra, Luật cũng cần qui định những chính sách ưu đãi đối với CBCC làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng  xa,  vùng    điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái) cho rằng, nên có những quy định cụ thể trong luật về những chính sách ưu đãi đối với CBCC làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều đại biểu cho rằng, chế độ đào tạo, bồi dưỡng hiện nay còn rất nhiều bất cập, nội dung và hình thức còn trùng lặp, không thiết thực và hiệu quả không cao, gây lãng phí về thời gian và tốn kém về kinh phí. Một số đại biểu đề nghị bỏ quy định về trách nhiệm của CBCC hàng năm phải tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí và chức danh công tác; CBCC cũng không nhất thiết phải chịu hình thức kỷ luật nếu không hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Có đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp là công chức không tốt nghiệp, tức là không hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng mà không có lý do chính đáng thì cũng phải đền bù chi phí đào tạo bồi dưỡng.

 

Phải rõ trách nhiệm

 

Vấn đề TTATGT luôn “nóng” tại các kỳ họp Quốc hội. Về dự án Luật này, có rất nhiều ý kiến “mổ xẻ” các qui định của luật, nhưng vấn đề thực sự đáng quan tâm là chiến lược phát triển giao thông... Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nêu ý kiến: tình hình TNGT ở nước ta rất nghiêm trọng, đã đến lúc phải tập trung nguồn lực cải tạo hạ tầng để hạn chế TNGT. Quỹ đất dành cho GT nên dành 20-25%. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn thì cho rằng, quy hoạch 10 năm và 20 năm cho vấn đề giao thông không thực tế và không phù hợp, minh chứng là các tuyến đường QL đến nay chưa đường nào hoàn chỉnh cụ thể cả. Vì vậy, chúng ta không nên định lượng 10 năm hay 20 năm mà chỉ định hướng về chiến lược  thôi, còn cụ thể giao cho Chính phủ tự quyết định.

 

Một vấn đề được cử tri quan tâm là chính sách phát triển giao thông công cộng, đồng thời với việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Có nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về chính sách hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố. Về vấn đề này, UBTV Quốc hội cho rằng, chính sách này đang được thực hiện theo Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn và nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng. Việc hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố lớn không có nghĩa là cấm mua, đăng ký, sử dụng phương tiện mà là thông qua việc thực hiện các chính sách thích hợp về thuế, phí, tổ chức phát triển mạng lưới phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, văn minh để thu hút người dân sử dụng.

 

 Xung quanh các điều khoản cụ thể của dự án luật còn rất nhiều ý kiến của các đại biểu. Chẳng hạn, có ý kiến nêu rõ Luật cần qui định người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng, có cài quai, đồng thời cho rằng việc quản lý chất lượng mũ là phải do cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chứ không phải trách nhiệm của người dân. Có đại biểu đề cập đến chi tiết cụ thể là quy định người đi bộ phải đi sát mép đường là thế nào? Hay, đường giao thông cần phải thiết kế rào chắn, cầu chui để bảo đảm giao thông; các đơn vị thi công giao thông nếu gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường, chứ không nên quy định chung chung là chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

 



Cần thuê luật sư hình sự giỏi