Thủ đô kháng chiến sâu nặng ân tình

14:11, 08/10/2008

Thu sang, trong ký ức chúng ta lại bồi hồi nhớ về một Thủ đô kháng chiến giữa lòng Việt Bắc, anh hùng và chất chứa nghĩa tình sâu nặng. Những câu thơ trong bài “Việt Bắc” năm xưa của cố nhà thơ Tố Hữu càng thêm sâu lắng, gợi cho chúng ta những câu chuyện lịch sử và cả tình cảm về Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến năm xưa và Hà Nội - Thủ đô hoà bình hôm nay.

Ngay sau khi giành được độc lập (tháng 8-1945), cả dân tộc ta lại phải bước vào một cuộc chiến đấu mới chống lại sự tái chiếm của thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ Nhà nước cách mạng non trẻ. Dự đoán cuộc chiến còn tiếp diễn, kéo dài, với tầm nhìn xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Định Hoá (Thái Nguyên) làm ATK, bởi: "Cách mạng Tháng Tám đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến nhất định do Việt Bắc mà thắng lợi".

 

Với địa thế "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ", cả vùng đất Thái Nguyên - Tuyên Quang trở thành Thủ đô của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp. Những địa danh như đèo De, Tỉn Keo, Nà Mòn, Phú Đình, Lam Vĩ, Định Biên, Bình Thành… của Định Hóa một thời là lối đi về thân thuộc của cán bộ các cơ quan Trung ương đóng tại đây. Chính tại ATK, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã lãnh đạo cuộc kháng chiến và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Mở đầu cho chuỗi sự kiện ấy chính là cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tiến công "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp. Tại huyện Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm cấp Đại tướng cho Tổng Tư lệnh Quân đội Võ Nguyên Giáp. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử; quyết định phát động phong trào thi đua rộng lớn diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, rồi chính sách giảm tô, giảm tức; quyết định tổ chức Đại hội thống nhất Mặt trận Liên Việt…

 

Trong bộn bề công việc, tại xã Thanh Định (Định Hóa), Bác Hồ đã viết tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc", một tác phẩm đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. ATK Định Hoá còn là nơi diễn ra các cuộc làm việc quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với quốc tế, điển hình là những cuộc làm việc giữa Bác Hồ với đại diện cao uỷ Pháp Paul Mus, làm việc với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng Nhân dân cánh mạng Lào, Campuchia, Đoàn cố vấn chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế. Có thể nói, phần lớn các cuộc họp của Trung ương Đảng đã quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước đều diễn ra trên đất Định Hoá. Với vai trò là trung tâm của Thủ đô kháng chiến, mảnh đất và con người nơi đây đã trở thành hậu phương quan trọng, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp... 

 

Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954) còn có một ý nghĩa lớn đối với nhân dân tỉnh Thái Nguyên là được Trung ương giao nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu (than) cho Nhà máy điện Yên Phụ, phục vụ ngày tiếp quản Thủ đô. Hơn bao giờ hết, cả vùng mỏ than Khánh Hoà (nay là Xí nghiệp than Khánh Hoà- thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam) đóng tại xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương) đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất "Vì Thủ đô yêu dấu". Từ năm 1954 đến 1956, vùng mỏ đã cấp kịp thời trên 1.320 tấn than phục vụ sản xuất điện thắp sáng Thủ đô...

 

Hà Nội hôm nay đã là Thành phố Hoà bình (danh hiệu được UNESCO công nhận) và đang tiếp tục được mở rộng, phát triển ngày càng hiện đại, tương xứng với tầm vóc một Thủ đô của thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước. Tháng Mười, Thủ đô Hà Nội náo nức đón chào kỷ niệm 54 năm Ngày giải phóng. Trên các nẻo đường Việt Bắc năm xưa hôm nay cũng nhộn nhịp chào đón những đoàn khách về nguồn, thăm lại Thủ đô kháng chiến.