Được cộng cư bởi đồng bào của 6 dân tộc khác nhau, địa hình lại bị chia cắt bởi đồi núi và suối Chì, song với sự lãnh đạo sáng suốt của tổ chức Đảng, sự vào cuộc nhiệt tình của Ban công tác Mặt trận cơ sở, 87 hộ dân ở khu dân cư Đầm Mụ, xã Bình Thuận (Đại Từ) luôn đoàn kết để phát triển kinh tế hộ và trở thành khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh trong xây dựng đời sống văn hoá...
Đầm Mụ không có nhiều điều kiện thuận lợi như những khu dân cư khác của xã Bình Thuận, ngược lại địa hình bị chia cắt bởi đồi núi và suối Chì đã gây không ít khó khăn cho bà con ở nơi đây. Trước năm 2000, về mùa mưa dòng suối Chì luôn có lũ to, cô lập khu dân cư này với bên ngoài nên việc học hành của con trẻ, việc giao thương của các hộ dân nhiều khi bị đình trệ. Đất đồi rộng mênh mông nhưng hầu hết các hộ bỏ hoang hoặc chỉ trồng sắn hay một số loại cây giá trị kinh tế thấp nên đời sống của nhiều hộ dân không ổn định, thường thiếu đói vào thời điểm giáp hạt.
Trước những khó khăn đó, cấp uỷ đã họp bàn để tìm hướng giải quyết, cụ thể trong phát triển kinh tế, các đảng viên đã xác định phát triển kinh tế vườn rừng là lợi thế của địa phương nên đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về trồng chè giống mới và trồng cây công nghiệp lấy gỗ. Thống nhất trong chi bộ, có nghị quyết chuyên đề nên 10 đảng viên đã tiên phong thực hiện để làm mẫu cho nhân dân. Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết của Chi bộ đã xuất hiện những mô hình kinh tế vườn rừng đạt hiệu quả cao và cứ thế chủ trương này lan toả tới các hộ dân khác có lợi thế về đất rừng ở Đầm Mụ. Đồng chí Bí thư chi bộ Vũ Văn Tỵ cho biết: Hiện toàn xóm có khoảng 30 ha đất rừng được trồng chè giống mới, keo, bạch đàn và cây ăn quả, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho mỗi hộ/năm. Tiêu biểu như các gia đình: Trần Văn Hiền, Lương Văn Thế, Vũ Văn Phú, Trần Văn Thống...
Cùng với thế mạnh từ rừng được phát huy, Chi bộ Đảng cũng lãnh đạo bà con từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, trồng màu nên giá trị kinh tế trên vị diện tích đất canh tác cũng được nâng lên. Hiện năng suất lúa ở Đầm Mụ đã đạt từ 160-180kg/sào/vụ (tương đương 48-54tạ/ha), những diện tích đất thuận lợi về nước tưới đã được bà con sản xuất tới 3 vụ/năm.
Kinh tế dần ổn định nên các vấn đề về văn hoá-xã hội cũng đã được cấp uỷ và các đoàn thể ở Đầm Mụ đặt lên bàn “nghị sự” như: Vận động nhân dân đóng góp để làm 2 cây cầu bê tông bắc qua suối Chì; xây dựng nhà văn hoá xóm; xoá nhà dột nát cho các hộ chính sách nghèo; thực hiện công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình...Các chủ trương này đều được Chi bộ Đảng ở Đầm Mụ đưa ra thảo luận, thống nhất bằng văn bản, sau đó công khai họp với đại diện các đoàn thể, họp xóm mở rộng để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Với phương pháp lãnh đạo và tổ chức thực hiện công khai, dân chủ của cấp uỷ, chính quyền xóm nên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Đơn cử việc làm khó khăn như xây dựng 2 cây cầu bê tông qua suối Chì đã được cấp uỷ, Ban công tác Mặt trận cơ sở ở Đầm Mụ thực hiện thành công; hay như công trình nhà văn hoá xóm cũng đã được xây khang trang với đầy đủ tiện nghi bằng nguồn vốn đầu tư, công sức của nhân dân; số hộ nghèo của xóm đã giảm dần và đến năm 2008 chỉ còn 6 hộ; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường; tệ nạn xã hội bị đẩy lùi (hiện xóm không có người nghiện ma tuý)...
Với những kết quả nêu trên, Chi bộ Đảng Đầm Mụ 10 năm liên tục được tổ chức Đảng cấp trên công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh; từ năm 2000 đến nay xóm liên tục được công nhận là khu dân cư văn hoá và năm 2007 được UBND tỉnh khen thưởng, công nhận là khu dân cư văn hoá cấp tỉnh. Khi chia tay với chúng tôi, Bí thư Chi bộ Vũ Văn Tỵ thông tin thêm: Bà con đã thống nhất đóng góp để cùng nguồn vốn hỗ trợ của huyện thực hiện bê tống hoá trên 1km đường dân sinh nối từ xóm Bình Khang tới hết đất Đầm Mụ và thay thế lưới điện cũ để góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của xóm.
Kinh nghiệm từ Đầm Mụ cho thấy: Nếu tổ chức Đảng cơ sở sinh hoạt theo đúng Điều lệ và hoạt động sáng tạo, từng đảng viên gương mẫu, tiên phong trong mọi lĩnh vực sẽ được nhân dân tin, kính trọng và nghe theo. Từ đó tạo dựng được sức mạnh tập thể để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đưa địa phương phát triển ổn định và bền vững.