Trận mưa lịch sử đã gây ra úng ngập trên diện rộng, chia cắt nhiều khu vực, gây ách tắc giao thông và đảo lộn sinh hoạt của nhiều khu vực dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lúc này, chưa thể tính hết thiệt hại do mưa úng gây ra, nhưng việc có tới 18 người thiệt mạng cùng tình cảnh nhà cửa, vườn tược của hơn 33.000 hộ dân với giá trị ước tính hơn 3.000 tỷ đồng ngập chìm trong nước, cũng đã đủ khẳng định thiệt hại do trận mưa hiếm thấy này gây ra là rất lớn. Đến nay, nước lũ trên sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy vẫn chưa rút; mực nước sông Lừ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu còn cao; các trạm bơm Yên Sở, Vân Đình đang chạy hết công suất. Vậy mà, nhiều công trình dân sinh, thủy lợi, giao thông bị nhấn chìm, phá hủy, đã làm cuộc chiến chống thiên tai thêm khó khăn, phức tạp...
Ngay từ những ngày đầu xảy ra mưa, lụt lãnh đạo thành phố đã bám sát tình hình và đưa ra các biện pháp chỉ đạo kiên quyết, khẩn trương. Bí thư Thành ủy trực tiếp về huyện Mỹ Đức, kiểm tra tình hình; thăm, tặng quà một số hộ gia đình chính sách và hộ nghèo đặc biệt khó khăn tại xã miền núi An Phú, nơi vùng sâu, nghèo nhất thành phố, lại là địa phương bị thiên tai gây thiệt hại lớn. Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa, úng tại một số quận nội thành và huyện vùng trũng Phú Xuyên. Hàng ngàn cán bộ, công nhân Cty Thoát nước dầm mình trong mưa để mở hố ga, thông cống, thoát nước.
Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ bộ đội, công an đội mưa làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, đắp đê chống tràn, giúp dân sơ tán, di chuyển tài sản. Xe buýt của Cty vận tải công cộng vẫn lăn bánh trong mưa, ngập để đảm bảo nhu cầu di chuyển của người dân giữa các vùng bị nước chia cắt. Ngành Giáo dục khẩn trương ra quyết định cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở kiểm tra cơ số thuốc dự phòng và tổ chức ứng trực cấp cứu 24/24… Đáng trân trọng là tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, sẻ chia những mất mát, thiệt hại của nhân dân ngay tại mỗi vùng bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ.
Đối mặt với mưa lũ, chung vai chia sẻ khó khăn bằng tinh thần tương thân tương ái - vốn đã là nét đẹp của người Hà thành. Giờ đây, hơn bất cứ lúc nào, tinh thần đó của cán bộ, nhân dân đang được phát huy cao độ, nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa úng. Dưới sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, các quận, huyện và ngành chức năng như: điện, nông nghiệp - phát triển nông thôn, thoát nước, lực lượng công an, quân đội, thương mại - dịch vụ... đang nỗ lực cao nhất để bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân; khẩn trương khắc phục sự cố úng ngập, cung cấp đủ điện cho chống úng, tiêu thoát nước, khôi phục giao thông; cung cấp đủ nước sạch, thuốc men, dịch vụ y tế, lương thực, thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho đời sống dân sinh.
Gác lại những cuộc họp hành không cần thiết; phân công cán bộ xuống cơ sở chung vai gánh khó khăn với nhân dân; tập trung cao độ cho việc tiêu thoát nước úng, ứng trực, hộ đê, khắc phục hậu quả úng ngập, không để xảy ra thiệt hại thêm về người và tài sản của nhân dân - đó là nhiệm vụ cấp bách số 1 của toàn thành phố trong lúc này. Sau mưa bão, là khắc phục sớm sự xuống cấp của hệ thống đường giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, nguồn nước, phòng chống dịch bệnh; kịp thời hỗ trợ cho các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi hoạt động của thành phố sớm trở lại bình thường.
Thiên nhiên thêm một lần thử thách lòng can đảm và ý thức cộng đồng của con người. Chống thiên tai cần sự chủ động, trách nhiệm và cả sự cảm thông, chia sẻ của mỗi người với cộng đồng.