“Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, những câu thơ của Bác viết để cổ vũ phong trào trồng cây trong cả nước vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi dịp xuân về, theo lời Bác dặn, nhân dân cả nước lại tích cực trồng cây bảo vệ môi trường sống, làm đẹp cho đời
Cuối năm 1959, Bác Hồ ra lời kêu gọi và phát động “Tết trồng cây”. Bác phân tích: “Việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều”; Người khẳng định ý nghĩa “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Mùa xuân Canh Tý 1960, Bác Hồ đến Công viên Thống Nhất (Hà Nội) cùng các vị lãnh đạo thành phố và đại diện nhân dân trồng một cây đa, mở đầu Tết trồng cây đầu tiên. Từ đó, năm nào Bác cũng phát động Tết trồng cây và trực tiếp tham gia trồng cây tại một số địa phương. “Tết trồng cây” đã trở thành một nét văn hóa mang tính nhân văn cao cả và có ý nghĩa thiết thực với môi trường sinh thái và đời sống nhân dân.
Trong tư tưởng chỉ đạo và mối quan tâm của Bác, thì việc trồng cây, bảo vệ rừng phải được coi trong trên tất cả các vùng, miền, từ miền núi, trung du, đến đồng bằng, ven biển, Bác nói: “Việc trồng cây không phải chỉ ở trên đồi trọc. ở đồng bằng, trong làng không có cây cũng chết. Nước ta ở vùng nhiệt đới, nhiều giông bão, mỗi làng phải là một rừng cây, rừng tre. Nhiều làng là cả một cánh rừng tầng tầng, lớp lớp chống bão thì sức gió, sự tàn phá của bão giảm đi nhiều, đỡ bao nhiêu thiệt hại. Và đường phố, bờ biển, bãi cát cũng phải có cây”. Với tầm nhìn xa và hiểu thấu, Bác đã chỉ rõ là “trồng cây có nhiều cái lợi, lợi trước mắt và lợi sau này”, do vậy Bác thường dặn dò, nhắc nhở trồng cây trong mỗi dịp Bác về thăm các địa phương, hoặc nói chuyện ở các lớp học, các đại hội… Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp 2, cấp 3 toàn miền Bắc năm 1958, Bác đã nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Ngay đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng 1 cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp".
Đáp lời kêu gọi của Người, phong trào trồng cây vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm đã trở thành phong tục tốt đẹp của nhân dân ta. Phong tục đó cũng đã trở thành nếp sống tốt đẹp của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc tham gia Tết trồng cây với nhân dân mỗi dịp xuân về.
Với Thái Nguyên, Tết trồng cây cũng đã trở thành nếp, cứ mỗi độ xuân về các địa phương trong tỉnh lại tích cực hưởng ứng trồng cây gây rừng theo lời Bác dặn.