Trong hệ thống phong phú và đa dạng các hình thức tuyên truyền, tuyên truyền miệng là loại hình tuyên truyền mang những đặc thù riêng, hết sức quan trọng và có hiệu quả.
Những năm gần đây, nhận thức và sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác tuyên truyền miệng ngày càng được nâng cao. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được hình thành, củng cố và phát triển rộng khắp các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, với phương châm “Hướng về cơ sở, thực hiện thông tin nhiều chiều, tích cực đối thoại, giải đáp những vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống”, năm 2008 công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh đã có nhiều khởi sắc.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được kiện toàn và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn và lý luận chính trị; được cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền thông qua sinh hoạt định kỳ đều đặn. Nội dung tuyên truyền đảm bảo chính xác, toàn diện, phong phú, đa dạng, sát thực với nhu cầu của người nghe. Những thông tin mới, “nóng”, những thông tin dư luận xã hội quan tâm như an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm, về tệ nạn xã hội, vấn đề dân số - gia đình và trẻ em,... được cáo báo cáo viên chú trọng tuyên truyền.
Việc phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị trong cung cấp thông tin có nhiều chuyển biến. Các báo cáo viên, tuyên truyền viên được tạo điều kiện cung cấp tài liệu tham khảo hàng tháng, tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo một số ngành, địa phương để trao đổi và cập nhật thông tin phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền miệng.
Có thể nói, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên đã thực sự trở thành kênh thông tin quan trọng không thể thiếu, góp phần vào giữ vững trận địa tư tưởng, ổn định tình hình chính trị, củng cố lòng tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, cho dù các phương tiện thông tin đại chúng phát triển ngày càng hiện đại vẫn không thể thay thế được tuyên truyền miệng. Trước những yêu cầu mới, hơn lúc nào hết, chúng ta cần sử dụng và phát huy tối đa ưu thế của công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; cùng với các kênh thông tin, tuyên truyền khác để nâng cao sức mạnh tổng hợp, thiết thực góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong tuyên truyền miệng, các báo cáo viên và tuyên truyền viên cần chú ý định hướng dư luận xã hội, tăng cường đối thoại và thông tin nhiều chiều, mở rộng dân chủ trong thông tin, kịp thời nắm bắt những vấn đề mới phát sinh và những vấn đề búc xúc trong nhân dân để đề xuất những biện pháp xử lý dứt điểm từ cơ sở, giảm thiểu tối đa tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là hoạt động tác chiến đòi hỏi tính khoa học, năng lực chuyên môn và nghệ thuật khéo léo trong diễn đạt, biểu cảm để dẫn dắt, thu hút người nghe một cách tự nhiên, thoải mái.
Tuyên truyền miệng tuy là một phương thức truyền thông “thô sơ” nhưng lại mang tính truyền thống lâu đời, có sức sống bền vững, gắn liền với truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng. Bởi vậy, đổi mới công tác tuyên truyền miệng phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể luôn đồng hành với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như mỗi địa phương.