Thực tiễn sống động

09:01, 20/01/2009

Trung bình mỗi năm Đảng bộ ĐH Thái Nguyên kết nạp từ 300 đảng viên trở lên, trong đó chủ yếu là là học sinh, sinh viên (HSSV) (năm 2008 có 231/315 đảng viên mới kết nạp là HSSV). Kết quả trên đã đưa Đảng bộ trở thành điểm sáng về công tác phát triển Đảng, góp phần tạo nguồn lực vừa hồng, vừa chuyên, tạo sức mạnh cho Đảng.

Tạo nguồn phát triển Đảng

 

Đảng bộ ĐH Thái Nguyên là đảng bộ cấp trên cơ sở, có 11 đảng bộ, chi bộ cơ sở, có trên 2.300 đảng viên sinh hoạt tại 134 chi bộ. Với quy mô đào tạo trên 67 nghìn HSSV, gần 3.000 cán bộ, công chức của 6 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 2 khoa và 7 cơ sở trực thuộc, nguồn phát triển Đảng của Đảng bộ ĐH Thái Nguyên là rất lớn. Trừ số SV của Trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên học 6 năm, các đơn vị khác SV chỉ học 4 năm, làm thế nào để HSSV có thể phấn đấu đạt kết quả cao trong thời gian ngắn là vấn đề quan trọng đặt ra.

 

Bên cạnh đó có một khó khăn nữa là còn không ít SV ít quan tâm tới việc phấn đấu để được kết nạp Đảng trong trường học. Theo đồng chí Ngô Văn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên: "Để giải quyết những trở ngại trên, Đảng ủy đã xây dựng cơ chế tạo nguồn, giao cho chi, đảng bộ trực thuộc, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên tổ chức các phong trào hành động cách mạng, khơi dậy khí thế nhiệt tình, sáng tạo của tuổi trẻ, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh để cho các HSSV có cơ hội khẳng định mình trong học tập và các hoạt động xã hội, vì cộng đồng. Đối với những HSSV có học lực khá trở lên, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, nghiên cứu khoa học sẽ được xem xét, quan tâm bồi dưỡng, theo dõi, giúp đỡ.

 

Trong các đợt học tập chính trị đầu khóa học hằng năm, các chi, đảng bộ đều lồng các nội dung về tiêu chuẩn để kết nạp Đảng để các HSSV có ý thức phấn đấu. Trên cơ sở kết quả học tập, hằng năm, các chi đoàn đều tổ chức bình xét, giới thiệu cho các tổ chức đảng. Những HSSV đủ điều kiện sẽ được tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng. Các đối tượng đảng đều là những hạt nhân nòng cốt trong học tập và tham gia các hoạt động của Đoàn trường, Hội Sinh viên. Nhiều HSSV đã phấn đấu trở thành đảng viên từ năm học thứ 3, thứ 4. Theo đồng chí Trần Bảo Ngọc, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y-Dược Thái Nguyên: "Năm 2008, Chi bộ Văn phòng Đoàn của Trường đã kết nạp được 36 đảng viên là SV. Các SV được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng đều là những hạt nhân tiêu biểu trong mọi phong trào. Đây sẽ là tấm gương sống động để các SV khác phấn đấu noi theo".

 

Với SV Phạm Việt Hà vừa được học lớp cảm tình đảng thì đây là cơ hội lớn cho em phấn đấu. Theo Hà: Qua nhiều năm nỗ lực trong học tập, rèn luyện, điểm trung bình chung của em trên 8,0. Bên cạnh đó, em hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện, hiến máu cứu người. Vừa qua, em hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học về tình hình lây nhiễm các bệnh qua đường máu khi hiến máu. Với sự nỗ lực của mình, em đã được các bạn trong lớp giới thiệu cho Chi bộ Văn phòng Đoàn trường để tham gia lớp cảm tình đảng. Em sẽ tiếp tục phấn đấu để được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đảng. Đó sẽ là động lực to lớn để em phát huy trong học tập và công tác sau này".

 

Quy trình chặt chẽ

 

Đảng bộ ĐH Thái Nguyên có chủ trương không giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho các chi, đảng bộ để tránh tình trạng chạy theo thành tích. Công tác theo dõi, phát triển Đảng được giao cho Ban Công tác Chính trị HSSV theo dõi. Sau khi các chi đoàn, liên chi đoàn, BCH Đoàn các trường giới thiệu các đối tượng Đảng cho chi bộ xem xét, chi bộ tổ chức kiểm tra và tiến hành thẩm định lý lịch, hoàn tất hồ sơ theo yêu cầu. Văn phòng Đảng ủy các trường kiểm tra lần cuối để Đảng ủy chuẩn y. Quy trình đó được tiến hành bài bản, chặt chẽ. Các trường hợp được tiến hành xem xét để kết nạp đều có cán bộ về tận địa phương thẩm tra lý lịch. Sau khi kết nạp, cử các đảng viên có kinh nghiệm theo dõi, giúp đỡ. Những trường hợp được kết nạp Đảng đều được công bố công khai để HSSV toàn trường cùng biết, từ đó khơi dậy phong trào thi đua rèn luyện, phấn đấu để trở thành đảng viên.

 

Qua theo dõi cho thấy, với những SV được kết nạp Đảng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đều phát huy tốt khả năng của mình trong công việc, nhanh chóng trưởng thành. Đây là yếu tố để kích thích sinh viên khóa sau phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành đảng viên. Qua đó, tạo sức mạnh cho các đảng bộ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội.