Chống tham nhũng ở địa phương gặp khó vì thể chế

13:44, 09/02/2009

Đánh giá của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cho rằng, hoạt động của các ban chỉ đạo địa phương còn gặp nhiều khó khăn do các quy định về thể chế và cơ cấu bộ máy chưa hoàn thiện.

Năm 2009, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng xác định là nghiên cứu, đưa ra kiến nghị xem xét, điều chỉnh, hoàn thiện mô hình tổ chức của các ban chỉ đạo cấp tỉnh nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cơ quan này trong công tác phòng, chống tham nhũng.

 

Đến nay, Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được thành lập.

 

Hầu hết các ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng đã xác định các trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương. Nhiều ban chỉ đạo được tỉnh ủy, thành ủy giao tham mưu và chủ trì triển khai kế hoạch kiểm tra 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) tại địa phương; thành viên Ban Chỉ đạo được giao là trưởng các đoàn kiểm tra.

 

Tất cả các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã thực hiện quyền hạn của mình được pháp luật quy định khi tiến hành hoạt động chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tại địa phương như yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo việc xử lý vụ việc tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kiến nghị, yêu cầu xem xét trách nhiệm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để xảy ra hậu quả...

 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, hoạt động của các ban chỉ đạo địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do các quy định về thể chế và cơ cấu bộ máy chưa hoàn thiện.

 

Năm qua, ban chỉ đạo của 30 tỉnh, thành phố đã lập danh sách theo dõi, chỉ đạo 185 vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, trong đó có Hải Phòng 18 vụ, Bà Rịa - Vũng Tàu 12 vụ, Bình Thuận 15 vụ; đã chỉ đạo xử lý 502 đơn thư tố cáo, khiếu nại về tham nhũng, trong đó nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Cao Bằng. Một số địa phương như Thái Nguyên, Thái Bình, Yên Bái đã lập đường dây nóng của Ban Chỉ đạo để tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng.