Lời Người dặn trước lúc đi xa

08:50, 02/02/2009

Không phải ai cũng dễ chấp nhận cái vòng “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” như một sự thường biến của quy luật tự nhiên. Chỉ những người thấu hiểu được quy luật của trời đất, quy luật của con người và phải có một tâm hồn thanh thản vì những gì mình đã sống mới có thể ung dung tự tại mà sống hợp với tự nhiên, với đất trời và với xã hội.

 Thường thì người ta thể hiện đủ các thứ tình cảm trước những bước đi của quy luật: vui, buồn, giận dữ, hoảng sợ... Những vui buồn còn đi theo day dứt người ta khi mọi việc đã thuộc về quá khứ... Nhưng đối với Hồ Chí Minh thì “Khi người ta đã ngoại 70 xuân thì tuổi tác càng cao sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”...

 

Phong cách ung dung, bình tĩnh, lạc quan pha chút hóm hỉnh là nét đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ai cũng nhận ra và bị chinh phục khi tiếp xúc với Người. Ở Hồ Chí Minh luôn toát lên niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng dù đang ở vào hoàn cảnh thử thách khó khăn ác liệt nhất. Chúng ta đã gặp tinh thần này trong tập “Nhật ký trong tù” và rất nhiều tác phẩm khác của Hồ Chủ tịch. Đến Di chúc của Người, ta lại thấy nụ cười lạc quan của Bác tỏa sáng. Người xác nhận rằng mình đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm” - như lời thơ của Đỗ Phủ: Nhân sinh thất thập cổ lai hy, “tuy tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”, “nhưng ai đoán biết tôi sẽ phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa . Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột”.

 

Vẫn với văn phong bình dị ấy, Người viết về cái chết như viết về sự bắt đầu của cuộc hành trình mới. Trong Di chúc không có từ "chết", như cánh hạc giữa trời, Người ung dung đi về cõi bất tử...

 

Cái chết đối với Hồ Chí Minh như một sự chuyển trạng thái nhẹ nhàng, bởi vì “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây là cảm giác thanh thản của người đã hoàn thành công việc của mình. Với cảm giác ấy, Người nhẹ bước ra đi mà không muốn gây bất cứ một sự phiền toái nào. Tâm hồn Người từ lâu đã hòa đồng với thiên nhiên khoáng đạt. Khi qua đời, Người mong rằng di hài của mình cũng sẽ hòa đồng với non sông đất nước để linh hồn Người được gần gũi hơn với nhân dân khắp mọi miền.

 

Ngày 15/5/1965, khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra lời tiên tri - cũng là lời khẳng định kiên quyết: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa."; "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi". Trong lần sửa lại cuối cùng, ngày 10-5-1969, Người lại viết: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn".

 

Với nhãn quan chính trị sáng suốt, những điều Bác dự đoán về bước phát triển của cách mạng Việt Nam đã được lịch sử xác nhận là hoàn toàn chính xác. Cái nhìn lạc quan của Hồ Chí Minh phản ánh trí tuệ sáng suốt, kinh nghiệm dày dạn của một nhà cách mạng lão thành tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân, vào chiến thắng tất yếu của chính nghĩa, nhân đạo, của những giá trị cao quý của phẩm giá con người trước chiến tranh phi nghĩa bạo tàn, thiếu nhân văn.

 

Trên cơ sở lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chính nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đề cập đến những vấn đề mà Đảng ta, nhân dân ta cần chú ý thực hiện sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi mặc dù khi Người từ giã chúng ta, cuộc chiến đấu của quân và dân hai miền còn đang diễn ra quyết liệt trên các chiến trường.

 

Những công việc mà Người trù liệu cho chúng ta sau ngày chiến thắng được đề cập đến trong Di chúc. Mỗi việc trong Di chúc, Người chỉ nói vắn tắt nhưng là những định hướng chiến lược phát triển kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa của đất nước sau chiến tranh, để mong muốn cuối cùng của Người trở thành hiện thực: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

 

Tinh thần của những dòng ngắn gọn này là nâng cao năng lực, trình độ trí tuệ và rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để Đảng ngang tầm với nhiệm vụ mới - trong đó vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng trong điều kiện Đảng cầm quyền được Hồ Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân"

 

Tin vào dân, dựa vào lực lượng nhân dân là nét nhất quán trong tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh và để hoàn thành công việc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, trong Di chúc, một lần nữa Người nhấn mạnh vai trò, sức mạnh và năng lực sáng tạo của lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo: "Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã hư hỏng, cũ kỹ, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân".

 

Những dòng này còn mang ý nghĩa rộng hơn đối với chúng ta hôm nay, khi chúng ta đặt vấn đề tăng cường mối quan hệ Đảng - Dân; Dân - Đảng trong công cuộc đổi mới để phát triển, để tăng cường tính nhân dân của Đảng, để huy động nhân dân tham gia những phong trào do Đảng phát động chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, chống suy thoái, biến chất.