Một cuộc thi báo chí bổ ích thiết thực

08:58, 03/02/2009

Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Báo Thái Nguyên phối hợp tổ chức cuộc thi báo chí với chủ đề: Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống.

Cuộc thi được tổ chức trong 5 năm, cùng với thời gian của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Cuộc thi được sơ kết và trao giải vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng (3-2) hằng năm. Đây là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa chào mừng sinh nhật Đảng và cũng là những động viên kịp thời cho đội ngũ những người làm báo Đảng, các cộng tác viên đã tham gia viết các tác phẩm dự thi cuộc thi nhiều ý nghĩa chính trị này.

 

Năm 2008,  Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được gần 170 tác phẩm của các nhà báo chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh gửi tác phẩm báo chí tham gia cuộc thi. Toà soạn đã chọn lọc và đăng tải trên 130 tác phẩm. Số tác phẩm được đưa vào tuyển chọn, chấm điểm là 110 tác phẩm, gồm các thể loại: Phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh. Số tác phẩm được đăng và được tuyển chọn tham gia chấm điểm tăng hơn 30% so với năm 2006 và 2007. Qua kết quả đánh giá của Ban giám khảo cho thấy: Hầu hết các tác phẩm đều đạt yêu cầu của Cuộc thi đề ra. Các tác giả đã có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết của các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, tìm hiểu và nghiên cứu các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các địa phương, qua đó tìm đề tài, thâm nhập thực tế, sưu tầm tài liệu để có các tác phẩm có chất lượng, sát thực tiễn cuộc sống  để tham gia dự thi.

 

Về các tác phẩm báo viết, đây là thể loại có nhiều người tham gia dự thi nhất, với hầu hết các tác phẩm tham gia. Các tác phẩm đều đã phản ánh sát với các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết XVII và các nghị quyết của các đảng bộ cơ sở. Các tác phẩm đạt yêu cầu về thể loại, văn phong, viết khá dễ hiểu, gần gũi người đọc. Nhiều tác phẩm đã phản ánh những vấn đề đang bức xúc cần giải quyết ở cơ sở để nghị quyết đi vào cuộc sống tốt hơn, như: Vấn đề thực hiện hai không trong ngành Giáo dục; dân số-kế hoạch hoá gia đình; xoá đói giảm nghèo; công tác cán bộ; công tác xây dựng Đảng, chính quyền; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng các khu công nghiệp; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; công tác thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của tỉnh; công tác quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn …

 

Nhiều tác phẩm đã nêu được những kinh nghiệm quý của các cơ sở đảng trong quá trình chỉ đạo, thực  hiện các nghị quyết của Đảng, nhiều tác phẩm viết có tính thực tế cao, sâu sát cơ sở và cũng có không ít tác phẩm viết ở vùng sâu, vùng xa. Một số tác phẩm với cách thể hiện khá tốt, có sức hấp dẫn, truyền cảm, gây được ấn tượng cho người đọc.

 

Một số tác phẩm điển hình, được Ban giám khảo đánh giá cao là: Phóng sự: Thao thức một vùng quê đã phản ánh sinh động sự nỗ lực vượt khó của vùng đất Phú Bình nhiều gian khó để vượt lên xoá đi thế thuần nông, mở hướng phát triển mới. Bước đi của huyện bắt đầu từ tư duy và con người. Công tác cán bộ được coi trọng, từ đó mạnh dạn mở hướng phát triển qua đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá, phát triển giao thông, mở các khu công nghiệp, tạo chính sách đầu tư hấp dẫn để mời gọi các nhà đầu tư đến với địa phương. Vì vậy Phú Bình đã có bức tranh kinh tế-  xã hội sáng sủa hơn, có mức tăng trường kinh tếc cao hơn và các mục tiêu của Đảng bộ huyện đề ra đã thực hiện có hiệu quả. Tác phẩm có lối thể hiện sinh động, dễ đọc và dễ đi vào lòng người. Bài: Nước sinh hoạt làm đổi thay bản làng Định Hoá là tác phẩm phản ánh những vấn đề rất thiết thực không xa rời cuộc sống và những nội dung phản ánh nêu bật được việc làm, hiệu quả của các công trình đi vào lòng dân, được nhân dân khen ngợi, các công trình đó đã mang lại một cuộc sống mới cho đồng bào vùng cao khó khăn, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào từ bao đời nay. Bài: Thực hiện hai không của ngành Giáo dục đã phản ánh đầy đủ các việc làm, giải pháp thực hiện của ngành Giáo dục tỉnh ta trước cuộc vận động lớn của ngành. Bài viết có sự tổng hợp tốt, nêu được nhiều ví dụ chứng minh tại cơ sở. Đây là vấn đề rất quan thiết trong việc chấn hưng nền giáo dục của mỗi địa phương và cả nước, được mọi người quan tâm. Bài: Lân Quan chuyện đẻ, chuyện nghèo. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng luôn là mối quan tâm của toàn xã hội và rất khó giải quyết. Bài báo phản ánh chân thực tại một bản người Mông không xa T.P Thái Nguyên là bao, nhưng có tới trên 90% hộ nghèo. Cái nghèo đến không chỉ vì thiếu ruộng, thiếu sự ưu đãi của Nhà nước mà chính là do tập tục đẻ nhiều cần phải khắc phục. Bài viết tả thực, dí dỏm, dễ hiểu, có tác dụng vận động, thuyết phục cao…

 

Cùng với những tác phẩm trên, một số tác phẩm có chất lượng tốt như: Nhọc nhằn cái chữ về bản, Nhiều năm dạy giỏi vẫn khó lọt chân vào biên chế, Công tác xây dựng Đảng trong công ty cổ phần, Giáo dục mầm non Võ Nhai thiếu phòng học trầm trọng, Ly nông bất ly hương cũng đã được Ban Giám khảo thống nhất đánh giá là những tác phẩm có giá trị tuyên truyền tốt, góp phần làm nên thành công của cuộc thi …

 

Có thể nói, Cuộc thi báo chí với chủ đề Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống đợt 3 năm  2008 đã thu được những thành công nhất định, đạt được yêu cầu đề ra. Cuộc thi đã thu hút được khá đông tác giả chuyên và không chuyên gửi tác phẩm dự thi. Tuy nhiên, số lượng cộng tác viên tham gia chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% - 25% tổng số tác phẩm dự thi. Về chất lượng vẫn còn có những tác phẩm chưa đạt yêu cầu đề ra. Còn có tác phẩm viết chung chung, thiếu tính thực tiễn và chưa giàu chất sáng tạo. Số tác phẩm thật sự có chất lượng cao, gây tiếng vang trong dư luận còn rất ít, chưa có những bài dài kỳ, phân tích thấu đáo những vấn đề trong đầu tư phát triển kinh tế và những bài phản ánh sâu sắc những vấn đề gai góc của cuộc sống như tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm, an toàn giao thông, phòng chống tham nhũng, lãng phí và những vấn đề tiêu cực xã hội khác…

 

Về thể loại tham gia dự thi cũng còn những tồn tại đó là thể loại phóng sự ảnh tham gia còn ít; đặc biệt là thể loại phóng sự truyền hình trên Báo Thái Nguyên điện tử không có tác phẩm nào tham gia trong năm 2008. Đây là những vấn đề cần được khắc phục trong năm 2009 và những năm tiếp theo để cuộc thi thành công tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu đề ra ngày càng cao hơn.