Thắng lợi chung của tình hữu nghị Việt – Trung

16:15, 22/02/2009

Việc hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc thể hiện mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Vũ Dũng đã nhấn mạnh điều này trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân sự kiện hai nước Việt Nam và Trung Quốc tổ chức Lễ chào mừng việc hoàn thành phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền vào hôm nay (23/02).

PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết đôi nét về Lễ chào mừng việc hoàn thành phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc?

 

Ông Vũ Dũng: Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam- Trung Quốc như Tuyên bố chung của hai trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ ngày 31/12/2008 đã nêu.

 

Tham dự Lễ chào mừng, về phía Việt Nam có uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Ban Chỉ đạo Nhà nước về công tác cắm mốc, cùng đại diện 7 tỉnh và nhân dân các dân tộc vùng biên giới.

 

Đoàn đại biểu lãnh đạo Trung Quốc sẽ do ông Đỗ Bình Quốc, uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc dẫn đầu, cùng đại diện nhiều địa phương cũng như các Bộ, ngành của Trung Quốc đã tham gia công tác PGCM.

 

Có thể nói đây là ngày hội lớn của nhân dân các tỉnh biên giới. Sẽ có rất nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao chào mừng, hoan nghênh việc hoàn thành phân giới cắm mốc lần này.

 

PV: Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước Việt- Trung, thưa ông?

 

Ông Vũ Dũng: Đây là bước phát triển mới rất quan trọng trong quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam- Trung Quốc, sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc giao lưu kinh tế thương mại giữa hai bên, đặc biệt là giữa các địa phương có chung đường biên giới, tạo điều kiện cho công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ của lực lượng quản lý biên giới.

 

Điều đó rất quan trọng, chứng tỏ với nhân dân 2 nước và nhân dân thế giới rằng: Đối với những vấn đề còn tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu hai nước có thiện chí và cùng tiến hành đàm phán trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, có lý có tình thì nhất định sẽ tìm ra được giải pháp thoả đáng, được nhân dân hai nước đồng tình ủng hộ.

 

PV: Quá trình PGCM giữa hai nước diễn ra như thế nào, thưa ông?

 

Ông Vũ Dũng: Tính đến ngày 31/12/2008, hai bên đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc, phân giới được khoảng 1.400 km đường biên giới và cắm xong 1.971 cột mốc, trong đó có 400km đi theo sông suối ven biên giới.

 

Hệ thống cột mốc và hệ thống đường biên được ghi lại bằng hệ thống toạ độ tiên tiến, có sai số chỉ bằng centimet và được quản lý bằng phần mềm tiên tiến đã được xây dựng.

 

Có thể nói đây là hệ thống mốc giới hiện đại, hoàn chỉnh, được quản lý bằng những phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất và nhân dân có thể hoàn toàn yên tâm về hệ thống mốc giới này.

 

PV: Ông có thể cho biết về những bước tiến hành tiếp theo để cụ thể hoá những việc còn lại của công tác PGCM lần này?

 

Ông Vũ Dũng: Năm 2009, chúng ta còn một số việc phải tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện kết quả của công tác phân giới cắm mốc. Hai bên phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để ký Nghị định thư về kết quả phân giới cắm mốc, tức là ghi nhận lại tất cả kết quả phân giới cắm mốc bằng một Hiệp định chính thức giữa hai Chính phủ.

 

Hai bên cũng đang và sẽ phải ký kết Quy chế quản lý biên giới mới để thay thế Quy chế quản lý biên giới tạm thời. Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ ký Hiệp định về hoạt động quản lý qua cửa khẩu; bàn bạc và đi đến ký kết Hiệp định về việc hợp tác khai thác tiềm năng du lịch của khu vực thác Bản Dốc (Cao Bằng).

 

Hai bên cũng sẽ bàn bạc để ký Hiệp định quy định về việc đi lại ở khu vực cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh). Đó là những việc phải tiếp tục làm và chúng ta sẽ ký kết trong năm 2009 để hoàn thiện quá trình công tác phân giới cắm mốc.

 

PV: Sau thành công về PCCM trên bộ, những việc tới đây của quá trình đàm phán biên giới trên biển đã được hai bên thống nhất thế nào, thưa ông?

 

Ông Vũ Dũng: Hiện hai bên có 3 diễn đàn có liên quan đến biển Đông. Diễn đàn thứ nhất là trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ có liên quan đến biển Đông. Thứ hai là diễn đàn đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển ở khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ. Đối với diễn đàn này, đến nay hai bên đã đàn phán được nhiều vòng và đạt được những thoả thuận mang tính nguyên tắc rất quan trọng cho khu vực cửa biển Bắc Bộ.

 

Thứ ba, hai bên có diễn đàn về các vấn đề trên biển, tức là bàn về vấn đề của Vịnh Bắc Bộ, cụ thể là liên quan đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hai bên cũng thoả thuận sắp tới đây sẽ tăng nhịp độ đàm phán của các diễn đàn này.

 

PV: Sau quá trình đàm phán PCMC lần này, chúng ta có thể rút ra những kết luận gì, thưa ông?

 

Ông Vũ Dũng: Giữa Việt Nam và Trung Quốc có 3 vấn đề lịch sử để lại: Thứ nhất là vấn đề biên giới trên bộ, thứ hai là vấn đề biên giới trong Vịnh Bắc Bộ và thứ ba là vấn đề Biển Đông. Bằng việc kết thúc phân giới cắm mốc lần này chúng ta đã giải quyết được 2 trong 3 vấn đề do lịch sử để lại có liên quan đến biên giới lãnh thổ với Trung Quốc.

 

Phải nói rằng, việc hoàn thành phân giới cắm mốc lần này đã chĩ rõ: Đối với những tranh chấp do lịch sử để lại, nếu các bên cùng kiên trì đàm phán, cùng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích và mối quan tâm của nhau thì hoàn toàn có thể từng bước tìm ra một giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.

 

PV: Xin ông cho biết thêm về việc PCCM giữa Việt Nam với các nước Lào và Campuchia?

 

Ông Vũ Dũng: Về biên giới với Lào, hai bên đã hoàn thành phân giới cắm mốc toàn bộ vào năm 2006 và hiện giờ chỉ làm những công việc tôn tạo.

 

Do hệ thống cột mốc phân giới trước đây được làm bằng bê tông và trong điều kiện khí hậu ở vùng biên giới rất khắc nghiệt nên nhiều cột đã bị lún, nứt. Vì vậy, Chính phủ đã quyết định thay thế toàn bộ cột mốc ở biên giới Việt-Lào bằng hệ thống cột mốc đúng như đã làm với Trung Quốc, tức là bằng đá granit có độ bền cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Và việc này chỉ mang tính chất sửa chữa bổ sung, không phải là hoạch định mới.

 

Đối với biên giới  Việt Nam-Campuchia, hai bên đã thoả thuận chính thức là đến năm 2012 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc. Gần đây, lãnh đạo hai nước đã có thoả thuận sơ bộ đến năm 2010, hai bên sẽ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đường biên giới Việt Nam-Campuchia.

 

Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì đến 2010, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam sẽ hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng, với tổng chiều dài hơn 4.500km (Trung Quốc là 1.400km, Lào 2.060km và với Campuchia là 1.135km).

 

PV: Xin cảm ơn ông!./.