- Trong thông báo về kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính tổ chức hệ thống thông tin cập nhật định kỳ về giá thành sản xuất, giá bán lúa của nông dân, giá lưu thông trong nước và giá xuất khẩu để phục vụ công tác điều hành, bảo đảm lợi ích cao nhất của người trồng lúa.
Dự kiến lượng lúa, gạo xuất khẩu năm nay sẽ ở mức từ 4,5 đến 5 triệu tấn. Con số này không bao gồm hàng tạm nhập tái xuất và sẽ được điều chỉnh vào cuối quý 2 cho phù hợp với tình hình sản xuất, giá cả, thị trường tiêu thụ gạo trong, ngoài nước trên cơ sở báo cáo của Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT.
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương có sản xuất gạo hàng hóa lớn, Bộ Công thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động cân đối nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; chỉ đạo sản xuất để có các sản phẩm gạo phù hợp nhu cầu thị trường trước mắt và lâu dài.
Căn cứ mức gạo xuất khẩu định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch chỉ đạo các ngân hàng thương mại lớn chủ động cân đối, bảo đảm nguồn vốn ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ của các vụ sản xuất chính trong năm; áp dụng kịp thời cơ chế hỗ trợ 4% lãi suất vay kinh doanh theo quy định.
Giao Thống đốc Ngân hàng chủ động xem xét, giải quyết việc vay vượt 15% vốn tự có đối với một khách hàng và mức vay tối đa trong trường hợp này nếu các Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc đề nghị.
Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng việc áp dụng thuế suất VAT 0% đối với kinh doanh gạo nội địa để hỗ trợ các công ty kinh doanh lương thực tham gia ổn định và chủ động can thiệp có hiệu quả vào thị trường phân phối gạo trong nước khi có biến động.
Bộ Công thương tổ chức thí điểm việc đấu thầu mua gạo trong nước để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung có khối lượng lớn nếu đủ điều kiện; Chỉ đạo sát sao và có hiệu quả hoạt động xúc tiến, phát triển thị trường xuất khẩu gạo; chủ trì cùng các cơ quan hữu quan và Tổ Công tác điều hành xuất khẩu gạo theo dõi tình hình kinh doanh, thị trường lúa gạo trong, ngoài nước và chủ động xử lý các vấn đề phát sinh, kịp thời báo Thủ tướng giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trong các năm 2009 - 2010; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, chủ động nắm giữ và phát triển thị trường, bảo đảm ký được các hợp đồng lớn, ổn định và hiệu quả.