Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn ba bộ trưởng

07:37, 25/02/2009

 - Đúng một năm sau phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ba Bộ trưởng  thuộc khối kinh tế, văn hóa - xã hội và tư pháp sẽ đăng đàn tháng 3 tới, trả lời về những vấn đề nóng của đất nước.

Chiều qua (25/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thảo luận tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 3 tới.

 

Ban công tác đại biểu đề xuất danh sách bốn vị trả lời chất vấn là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc - người cho đến nay nhận được nhiều câu chất vấn nhất, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình. Thời gian dự kiến là một ngày.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh việc nên lựa chọn đại biểu khác và xem xét lại nhóm vấn đề chất vất sát với thực tiễn hơn.

 

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng không thống nhất với cách lựa chọn các vấn đề đưa ra chất vấn. Chẳng hạn, với vấn đề "hướng đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản", ông Vượng cho rằng thủ tục đầu tư là phải theo luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không trả lời được. Còn nếu trong quá trình thực hiện phát sinh thêm các thủ tục rườm rà, thì Bộ trưởng mới phải trả lời có biết không, cắt giảm thế nào.

 

Tương tự, các cách đặt vấn đề: tổ chức thực hiện phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương, tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, quản lý giá cước vận tải và họat động của các phương tiện giao thông công cộng, biện pháp xử lý tồn động số lượng lớn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm... cũng nên làm rõ, không để chung chung, khó trả lời.

 

"Không nên đặt vấn đề nhập nhằng giữa việc cung cấp thông tin và chất vấn", ông Vượng đề nghị.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề xuất: "Từ năm 2007 - 2008, Bộ Công an đưa ra nhiều mục tiêu, rung chuông thì nhiều nhưng công bố công khai chưa được bao nhiêu. Vậy nên chăng lần này đề nghị Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đăng đàn?"

 

Cũng có ý kiến cho rằng nên đề nghị Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch trả lời chất vấn xung quanh nhiều vấn đề nóng về văn hóa hiện nay.

 

Nhưng "nhiều khi, đại biểu gửi lên những câu... không phải là câu hỏi, có khi đọc lên chả hiểu gì. Với đặc thù như vậy, các chuyên viên cũng cố gắng tập hợp để chọn ra các câu hỏi sát với các vấn đề bức xúc trong thực tế", Trưởng Ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên lưu ý.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chốt lại, sẽ chất vấn ba bộ trưởng thuộc khối kinh tế, văn hóa - xã hội và tư pháp. Ban công tác đại biểu sẽ tiếp tục tập hợp mọi ý kiến của đại biểu cả nước gửi về, chuyển Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để đưa ra đề xuất cuối cùng.

 

Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, các đại biểu đã có 326 chất vấn dành cho Chính phủ và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành.