Thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", sau hai năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng 3 khoá X (NQTW3), công tác Phòng chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn Thái Nguyên đã thu được những kết quả nhất định, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh đã ban hành Chỉ thị, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của tỉnh do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng Ban; phối hợp với các ngành chức năng như Thanh tra, Công an, Viện Kiểm soát chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác Phòng, chống tham nhũng. Công tác tuyên truyền, phổ biến NQTW3, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các cấp uỷ đảng, các cơ quan đơn vị, tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đa số các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí đã trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm. Hàng loạt các văn bản chỉ đạo của tỉnh được ban hành nhằm cụ thể hoá việc thực hiện phòng, chống tham nhũng trong từng lĩnh vực như: Vấn đề khoán kinh phí hành chính, giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp; luân chuyển cán bộ ở các vị trí liên quan đến quản lý đất đai, thuế, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, kiểm lâm,…Các văn bản về quản lý kinh tế - xã hội được chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ xung nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời góp phần thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2007-2008, HĐND tỉnh đã ban hành 10 Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai; xây dựng cơ bản, đăng ký kinh doanh, xét duyệt dự án; cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoảng sản,…
Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí được phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức thành viên và các cơ quan báo chí địa phương, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát thực hiện. Các cơ quan báo chí mở thêm chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền giáo dục pháp luật, phản ánh kịp thời các vụ việc tiêu cực đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn.
Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp uỷ cho rằng địa phương mình còn nghèo, kinh tế chưa phát triển nên ít tham nhũng, lãng phí. Việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác Phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa triệt để. Việc vận dụng các chủ trương, chính sách, các quy định về phòng ngừa tham nhũng còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; một số đơn vị chậm xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, chậm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan. Việc luân chuyển cán bộ chuyên môn liên quan đến một số lĩnh vực nhạy cảm thực hiện chưa được nhiều…
Để công tác thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí được tiến hành có hiệu quả hơn, trên cơ sở triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản mà Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khoá X) đã đề ra về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NQTW3 "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Phòng, chống tham nhũng, lãng phí", Tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập NQW3, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nghiên cứu, học tập chuyên đề "Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người. Các cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp; kiện toàn đội ngũ cán bộ phục vụ nhiệm vụ Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như: Dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, công trình giao thông,…
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; các cấp, các ngành trong công tác Phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ và chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu, đưa công tác Phòng chống tham nhũng, lãng phí thành một nội dung kiểm điểm thường xuyên theo định kỳ công tác; mỗi cơ quan, đơn vị đều xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá các quy định của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tổ chức cho cán bộ, đảng viên ký cam kết thực hiện.