- Điều trần giúp đại biểu QH có thêm một kênh thông tin hữu hiệu. Đây cũng là cơ hội để các nhà lập pháp đặt ra các câu hỏi cho các quan chức hành pháp, đồng thời là diễn đàn để công dân và các nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm.
Phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung vào hai vấn đề việc làm và chuẩn nghèo tại Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, dự kiến diễn ra trong tháng 3 đã bị hoãn lại.
Lý do: Phiên họp thứ 17 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 25/2 quyết định sẽ chất vấn ba bộ trưởng thuộc khối kinh tế, văn hóa - xã hội và tư pháp trong phiên họp thứ 18, dự kiến từ 18 - 26/3. Mặc dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Ủy ban Về các vấn đề xã hội vẫn tạm hoãn phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm tránh trùng lặp về nội dung cũng như đối tượng tham gia trả lời.
Nâng cao hiệu quả hoạt động QH
Một cán bộ của Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết khá “tiếc” trước thông tin này. Có lẽ, đây là cảm xúc chung của những người quan tâm chờ đợi hoạt động mang tính chất “điều trần” đầu tiên ở các ủy ban của Quốc hội nước ta, với hy vọng bước đột phá này sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các ủy ban và Quốc hội.
Chất vấn tại Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thời gian qua, các ủy ban của Quốc hội vẫn sử dụng hình thức mời lãnh đạo bộ, ngành đến để giải trình những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách mà cơ quan của Quốc hội quan tâm. Điều này xuất phát từ trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Thành viên một số ủy ban cho biết, hoạt động này rất hữu ích trong việc giúp họ thu thập, đánh giá thông tin, từ đó có cơ sở đưa ra những đề xuất, kiến nghị xác đáng.
Việc Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình tại Ủy ban Các vấn đề xã hội lần này được chú ý hơn, bởi đây là lần đầu tiên, nó được tổ chức công khai, thành phần tham dự đa dạng, không chỉ gói gọn trong phạm vi thường trực ủy ban như trước đó.
Tuy không ai gọi đây là những phiên điều trần nhưng về thực chất, hoạt động này mang dáng dấp của một cuộc điều trần. Cũng vì thế, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật về hoạt động giám sát và các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định về “điều trần”.
Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “điều trần” là trình bày chính thức trước cơ quan đại diện nhà nước để giải thích, biện bạch... vấn đề nào đó mà mình chịu trách nhiệm.
“Điều trần” được dịch ra từ từ tiếng Anh: Hearing. Hiểu “Hearing” là một “thủ tục nghe” có lẽ sát nghĩa, dễ nghe hơn, đồng thời tránh được những tranh luận từ khía cạnh luật định.
Theo một chuyên gia của Văn phòng Quốc hội, hình thức điều trần của nghị viện nhiều nước trên thế giới là các cuộc họp công khai của các ủy ban nhằm thu thập thông tin và ý kiến về một dự luật, hoặc để tiến hành điều tra về một vấn đề thời sự, hoặc để giám sát, đánh giá hoạt động của Chính phủ hoặc việc thực thi chính sách, pháp luật.
Sự trải nghiệm cần thiết
Đáng chú ý là, nếu chất vấn chỉ với những người có chức quyền, thì đại diện cho mọi lợi ích trong xã hội có thể được mời tham dự những cuộc điều trần, chứ không chỉ người của hành pháp và các nghị sỹ. Các thành viên ủy ban nghe các nhân chứng đến từ các cơ quan chính phủ, học giả, tầng lớp trí thức, các nhóm lợi ích đến tham dự điều trần để bàn luận, góp ý về các chính sách, dự luật. Một cuộc họp để các ủy ban lắng nghe ý kiến của người dân cũng được coi là một phiên điều trần.
Vì vậy, điều trần mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên phải kể đến việc Quốc hội, các ủy ban và mỗi đại biểu có thêm một kênh hữu hiệu để thu thập được nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tế từ các nhân chứng. Hơi thở của cuộc sống sẽ theo đó mà tràn vào từng trang luật pháp, vào các hoạt động giám sát, giúp đại biểu và Quốc hội có những quyết định sáng rõ.
Phiên điều trần cũng là cơ hội để các nhà lập pháp đặt ra các câu hỏi cho các quan chức ngành hành pháp mà đôi khi, giới hạn thời gian trong phiên chất vấn tại phiên họp toàn thể ở nghị trường không cho phép đào sâu, hỏi kỹ.
Phiên điều trần đồng thời là một diễn đàn để công dân và các nhà lãnh đạo của xã hội công dân trao đổi các quan điểm khác nhau. Thông qua đó, Quốc hội tuyên truyền đến người dân những vấn đề, chính sách mình đang xem xét. Việc được tham gia vào hoạt động của Quốc hội cũng làm tăng sự tin tưởng của công chúng vào một quy trình làm việc minh bạch của cơ quan này.
Được biết, thời gian tới, Ủy ban Các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm việc mời các lãnh đạo bộ ngành đến giải trình, sau đó, sẽ rút kinh nghiệm và kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nếu cần.
Sự trải nghiệm này là rất cần thiết để thúc đẩy Quốc hội tiến nhanh hơn trong quá trình đổi mới. Chúng ta có quyền chờ đợi Hội đồng Dân tộc và các ủy ban có thể tiến hành điều trần như nghị viện các nước thường làm.