Đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua chương trình công tác

15:48, 31/03/2009

Đảng bộ Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có 11 đảng bộ, chi bộ cơ sở với trên 2.200 đảng viên. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa III (nhiệm kỳ 2005-2010), Đảng bộ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, xây dựng ĐHTN phát triển, xứng đáng là ĐH trọng điểm Quốc gia.

Theo đồng chí Ngô Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHTN: "Đảng bộ đã xây dựng chương trình toàn khóa, cụ thể các nội dung công tác thành chuyên đề, kế hoạch, dự án, đề án. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy còn được thực hiện thông qua việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo ĐHTN với các trường, đơn vị thành viên; giữa lãnh đạo nhà trường với giáo viên, học sinh, sinh viên. Đây là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tế và sự phát triển".

 

Cụ thể, trong 14 chương trình công tác toàn khóa, có chương trình về kiện toàn tổ chức, bộ máy, tăng cường về số lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Mục tiêu của ĐH là: Hình thành các đơn vị mới nhằm mở rộng quy mô đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực của đất nước; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong tình hình mới.

 

Để đạt được mục tiêu trên, Đảng ủy đã xây dựng chương trình tổ chức bộ máy của ĐHTN đến năm 2010 và chiến lược đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao, nâng cao năng lực tiếng Anh cho cán bộ. Đại học đã đề ra nhiều chính sách bắt buộc và khuyến khích, hỗ trợ cán bộ đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như: Đưa chỉ tiêu cử người đi học tiến sĩ, thạc sĩ, tiếng Anh vào tiêu chuẩn bình xét thi đua; ký kết hợp đồng trách nhiệm giữa thủ trưởng đơn vị và giám đốc ĐHTN. Hỗ trợ một phần học phí cho cán bộ đi học, ưu tiên bố trí đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, miễn giảm khối lượng công việc cho nghiên cứu sinh, nâng lương sớm cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án đúng thời hạn…

 

Bằng nhiều biện pháp và chính sách hỗ trợ, số lượng cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ cao tăng lên rõ rệt qua các năm. Trong 3 năm 2006-2008 có 777 cán bộ, giảng viên đi học tiến sĩ, thạc sĩ. Bên cạnh đó, 524 cán bộ, giảng viên được cử đi học tiếng Anh ở các trình độ, trong đó 88 người học ở nước ngoài. Từ việc cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình công tác toàn khóa, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng được nâng lên. Đến hết năm 2008 toàn ĐH có 1.634 cán bộ, giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên (chức danh GS, PGS 60, giảng viên chính 413, tiến sĩ 205, thạc sĩ và tương đương 956). Với đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, đã đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu của xã hội. Hiện ĐHTN có 164 ngành nghề đào tạo từ ĐH trở xuống (tăng 64 ngành nghề so với năm 2005); 71 chuyên ngành sau ĐH (tăng 28 chuyên ngành so với năm 2005). Sự phát triển nhanh chóng của các ngành, nghề đào tạo phản ánh sự đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu học tập của các thành phần kinh tế.

 

Với đội ngũ ngày càng được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, là cơ sở để ĐHTN thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra hình thành các đơn vị mới, mở rộng quy mô đào tạo. Ngày đầu thành lập ĐHTN có 5 trường thành viên và 1 trung tâm trực thuộc thì trong giai đoạn 2006-2009 có 9 đơn vị mới thuộc ĐHTN được thành lập đi vào hoạt động (Nhà Xuất bản, Trung tâm học liệu, Bệnh viện thực hành, Khoa Ngoại ngữ, Viện nghiên cứu khoa học sự sống, Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội - nhân văn miền núi, Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp, Trung tâm hợp tác quốc tế….), nâng tổng số đơn vị thành viên trực thuộc hiện nay lên 19 đầu mối.

 

Từ việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy thông qua chương trình công tác toàn khóa, Đảng bộ ĐHTN đã thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra, một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ khi quyết định thành lập ĐHTN trong việc hình thành các trung tâm đào tạo lớn, chất lượng cao ở các vùng lãnh thổ của đất nước.