Năm 2009 thử thách năng lực Chính phủ Việt Nam

07:50, 17/03/2009

 - Khai mạc Hội nghị Kinh tế đối ngoại sáng 17/3, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi phục. Ông cho rằng đây là thời điểm thử thách năng lực hoạt động doanh nghiệp và Chính phủ.

Ổn định vào cuối năm 2009

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào những tháng cuối năm nay và tình hình sẽ tốt lên trong năm 2010.

 

"Những khó khăn trung hạn từ cuối năm 2007 sẽ được giải quyết vào cuối năm 2009. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam vẫn sẽ không thay đổi", Phó Thủ tướng khẳng định.

 

Ông Nguyễn Sinh Hùng lí giải, sau một quá trình đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đang trong đà tăng trưởng nhanh. Thị trường Việt Nam là thị trường hấp dẫn. Trong thời điểm hiện nay, kinh tế nội địa, sức mạnh nội lực bên trong chắc chắn sẽ đi trước để giải quyết các khó khăn của Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng cho rằng "đây chính là thời điểm thử thách năng lực hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ Việt nam, đồng thời thử thách tính kiên trì bền bỉ của các nhà đầu tư vào định hướng phát triển trong tương lai".

 

Triển vọng về trung và dài hạn

 

Các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ những kì vọng tốt đẹp vào tương lai kinh tế Việt Nam.

 

Chủ tịch Ngân hàng HSBC tại Việt Nam Paul Leech tin rằng kinh tế Việt nam trong trung và dài hạn vẫn còn nhiều hứa hẹn.

 

"Niềm tin này được củng cố hơn khi Chính phủ Việt Nam đã có các kế hoạch ứng phó kịp thời với những thách thức hiện tại", ông Paul Leech bổ sung.

 

Ngay ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách Corporate Network tại khu vực Đông Nam Á của Economist Intelligence Unit (EIU), người trước đó đã đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay cũng nhấn mạnh: "Nếu Việt Nam tiếp tục con đường mở cửa, những triển vọng về trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn rất sáng sủa".

 

Ông đặc biệt lưu ý việc Việt Nam tiếp tục cam kết cải cách, nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước, mà theo ông đánh giá là đã “quá chậm”.

 

Cho rằng không thể thờ ơ với những dự báo tương đối bi quan của EIU, song Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói đã đến lúc Việt Nam không cần quá quan tâm đến các con số tăng trưởng mà dành sự quan tâm đến việc làm và an sinh xã hội. "Chính những yếu tố này sẽ đảm bảo ổn định xã hội cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam".

 

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Martin Rama, Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng cho rằng "Việt Nam hiện chỉ đang trải qua một thời kì suy giảm mà thôi. Việt Nam có lợi thế hơn nhiều quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại nhờ những điều chỉnh và nỗ lực tốt trong năm 2008".