Triển khai sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tăng thẩm quyền xét xử cho các cơ quan tư pháp cấp huyện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự (Khoản 1, Điều 170) và giải quyết các vụ án dân sự theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự (Điều 33), Khối Tư pháp Thái Nguyên đã tích cực phối hợp để thống nhất chọn đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.
Trong đợt I (bắt đầu triển khai từ cuối năm 2004 đến kết thúc năm 2007), đã có cơ quan tư pháp của 7 địa phương là: T.X Sông Công, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên được tăng thẩm quyền theo quy định.
Qua đánh giá công tác chuyên môn của các cơ quan tư pháp cấp tỉnh thì hầu hết các đơn vị được tăng thẩm quyền đều hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh cho biết: Số vụ án hình sự được tăng thẩm quyền xét xử đều được các cơ quan tố tụng cấp huyện tiến hành chặt chẽ từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên số án sửa, án huỷ đều ở mức cho phép, tỷ lệ án kháng án y án rất cao. Cái được hơn nữa là từ khi tăng thẩm quyền theo quy định, trách nhiệm của từng cơ quan tố tụng cấp huyện đã được nâng lên, sự phối hợp trong quá trình làm nhiệm vụ chuyên môn giữa các cơ quan chặt chẽ, thường xuyên hơn.
Để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện cũng như kết quả của việc tăng thẩm quyền xét xử cho cấp huyện, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại các cơ quan tư pháp huyện Đồng Hỷ, một đơn vị triển khai sớm nhiệm vụ này. Từ khi được tăng thẩm quyền xét xử, các cơ quan tố tụng huyện Đồng Hỷ phải thụ lý thêm khoảng từ 20 tới 25 vụ án hình sự, trong khi đó, cán bộ, cơ sở vật chất không có sự thay đổi lớn nào. Do vậy, để đảm bảo quá trình điều tra, truy tố, xét xử được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, việc giải quyết phần án dân sự trong các vụ án hình sự được thuận lợi hơn, các cơ quan tham gia tố tụng đã xây dựng quy chế phối hợp, tổ chức họp giao ban khối theo tháng để đánh giá công tác, tìm giải pháp cho từng vụ án cụ thể. Với cách làm này, từ năm 2006 đến nay, các vụ án mới tăng thẩm quyền của huyện đều được các cơ quan tố tụng cấp tỉnh đánh giá cao, tỷ lệ án kháng án y án rất cao, án phải sửa rất thấp và duy nhất chỉ có 1 vụ án hình sự bị huỷ do lỗi của thẩm phán trong quá trình hoàn tất hồ sơ.
Đồng chí Vũ Gia Điệt, Chánh án Toàn án Nhân dân huyện Đồng Hỷ trao đổi với chúng tôi về vấn đề này cho biết: Khi mới nhận nhiệm vụ tăng thẩm quyền xét xử đối với những vụ án hình sự nghiêm trọng, có mức hình phạt tới 15 năm tù giam và các vụ án dân sự tranh chấp về thương mại, các cơ quan tố tụng cũng thấy lo vì các vụ việc này đều phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao. Không dám chủ quan nên các cơ quan tham gia tố tụng trong huyện đều tập trung cao độ, không để xảy ra thiếu sót, chất lượng xét xử các vụ án đảm bảo theo quy định của pháp luật. Còn về việc giải quyết các vụ án dân sự được tăng thẩm quyền theo Điều 33, Bộ Luật Tố tụng Dân sự chưa xảy ra trên địa bàn huyện.
Từ kết quả tăng thẩm quyền xét xử của 7 cơ quan tư pháp cấp huyện, đầu năm 2009, các cơ quan tư pháp cấp tỉnh đã giao nhiệm vụ này cho cơ quan tư pháp của hai địa phương còn lại là T.P Thái Nguyên và huyện Võ Nhai. Qua hơn 2 tháng thực hiện nhiệm vụ tăng thẩm quyền xét xử theo quy định, đại diện các cơ quan tư pháp của hai địa phương trên đều cho biết cường độ công việc cao hơn do số vụ án phải thụ lý tăng nhưng khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Việc giải quyết các vụ án được tăng thẩm quyền theo chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội của các cơ quan tư pháp cấp huyện trong tỉnh là khả thi. Tuy nhiên, qua thực tế công tác đã xuất hiện một số khó khăn như: Lực lượng điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và chấp hành viên của các cơ quan tư pháp cấp huyện đang rất thiếu và còn hạn chế về trình độ chuyên môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn còn chưa đáp ứng được thực tế công việc. Vì vậy để thực hiện việc tăng thẩm quyền nói riêng, giải quyết công tác chuyên môn nói chung của các cơ quan tư pháp cấp huyện được hiệu quả thì những khó khăn, hạn chế nêu trên nên sớm giải quyết.