Những năm gần đây, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khoá VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (Chỉ thị số 30-CT/TW), đảng bộ các cấp trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, sơ kết, tổng kết gắn với cuộc vận động Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; triển khai các hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được lãnh đạo Đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn.
Tỉnh đã xây dựng Đề án số 04-ĐA/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2006-2010”. Những nội dung và giải pháp của Đề án tiếp tục tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để người dân phát huy quyền làm chủ, trực tiếp tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề thiết thực liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Thực hiện tốt quy chế dân chủ đã tạo nên động lực để mỗi người tự giác thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tác động tích cực đến các hoạt động xã hội hoá trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, huy động được nội lực trong nhân dân đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cán bộ lãnh đạo các cấp đổi mới phong cách điều hành theo hướng gần dân, sát dân, tăng cường tiếp xúc với nhân dân để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong dân, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Nhiều cấp uỷ, chính quyền thực hiện chế độ định kỳ nghe quần chúng góp ý xây dựng đã tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Các ban của HĐND tỉnh đã tăng cường công tác giám sát các địa phương, đơn vị thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong nhân dân còn được thể hiện trong việc xây dựng các quy ước, hương ước của địa phương để triển khai thực hiện; trong các kỳ bầu chọn trưởng thôn, bản, tổ dân phố, không khí dân chủ trong nhân dân đã có nhiều bước tiến bộ mới cả trong nhận thức cũng như hành động. Thực hiện quy chế dân chủ đã nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong giám sát cũng như tham gia góp ý vào công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.
Cùng với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", việc thực hiện tốt quy chế dân chủ đã tạo động lực thúc đẩy nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng khu dân cư tiến tiến, làng xã, gia đình văn hoá. Đến nay, toàn tỉnh có 186.540 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá (chiếm 73,15%); 1.694/3.024 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiến tiến (chiếm 56%); 1.612 nhà văn hoá xóm, bản, tổ dân phố (đạt 52%), trong đó có 700 nhà văn hoá được xây dựng mới; 912 nhà văn hoá được sửa sang, nâng cấp. Nhiều huyện đã có chính sách hỗ trợ thôn xóm, tổ dân phố làm nhà văn hoá như Thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Phổ Yên, Định Hoá,… Các họat động "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn, đáp nghĩa", "Vận động xoá nhà dột nát cho hộ nghèo" được người dân tích cực hưởng ứng.
Trong hoạt động của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các nội quy, quy chế đều được xây dựng, sửa đổi, bổ xung cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị tạo nên bầu không khí phấn khởi, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong công tác. Cùng với cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ đã giúp cho cán bộ công chức và người lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công việc, thúc đẩy hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch của cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan văn hoá.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong cơ chế mới, không ít đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Việc đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ đã tạo điều kiện để người quản lý và người lao động thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, tạo ra sự gắn bó, cởi mở, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Có thể nói, Chỉ thị số 30-CT/TW là chủ trương lớn hợp ý Đảng, lòng dân, được mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ tiếp tục được thực tiễn khẳng định. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ đã tác động tích cực tới việc củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; làm chuyển biến phong cách làm việc của mọi người theo hướng "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", tạo nên bầu không khí dân chủ trong công tác cũng như sinh hoạt. Đây cũng chính là biện pháp quan trọng để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.