- "Những dấu hiệu phục hồi đã có, còn nhanh hay chậm thì do kích cầu. Quốc hội và Chính phủ sẽ chung lưng đấu cật để cùng giải quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế, cùng vào cuộc để gói kích cầu hiệu quả", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay.
Chính phủ đã công bố gói kích cầu thứ hai lên tới 8 tỷ USD. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có yêu cầu giải trình về hiệu quả những biện pháp kích thích kinh tế đã làm vừa qua không?
- Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban vào đầu tháng 5 tới, Ủy ban sẽ yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo cụ thể các gói kích cầu này.
Chúng tôi quan tâm tới bốn góc độ. Thứ nhất, địa vị pháp lý của gói kích cầu. Nguồn kích cầu lấy từ đâu và đối tượng được hưởng có đúng không? Ngoài ra, các bộ, ngành sẽ phải đánh giá bước đầu về hiệu quả gói kích cầu cho đến thời điểm này.
Chẳng hạn, nguyên tắc của một gói kích cầu là phải đúng lúc, kịp thời, tác động trong ngắn hạn. Từ nguyên tắc này, đối chiếu với gói kích cầu mà Chính phủ đang làm, xem có bảo đảm nguyên tắc không? Có phù hợp với Quốc hội và Luật Ngân sách không?
Hay chuyện cấp bù lãi suất vừa rồi, mục tiêu đặt ra là ngắn hạn, nay bổ sung gói giải pháp hỗ trợ cho 2 năm, có gọi là ngắn hạn nữa không? Những vấn đề này sẽ được các cơ quan Chính phủ giải trình.
Chủ trương là thực hiện chính sách miễn giảm thuế cho các DN gặp khó khăn, nhất là DN vừa và nhỏ. Nhưng thực tế là những DN được miễn giảm lại là những DN có thu nhập, không thuộc thành phần gặp khó khăn cần hỗ trợ nhất.
Hay, chính sách giãn nộp thuế thu nhập cá nhân, chúng ta có khoảng trên 50 triệu lao động có thu nhập. Chính sách thuế đánh vào khoảng 300 ngàn người phải nộp, cộng thêm 2 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển sang. Vậy thì việc giãn, giảm đã có tác dụng hỗ trợ thực sự chưa, đạt mục tiêu kích cầu chưa? Hay là chúng ta đang giảm thuế cho nhà giàu mà làm mất đi nguồn thu ngân sách, làm mất đi cơ hội hỗ trợ an sinh cho nhà nghèo.
Nhưng trong bối cảnh này bắt buộc phải tăng bội chi lên 8%, ông có ý kiến gì?
- Thực hiện chính sách kích cầu như miễn giảm thuế thì nguồn thu sẽ giảm sút, không đạt dự toán ngân sách như QH vẫn yêu cầu là phải giữ bội chi không được quá 5%. Đây là lúc có những khoản chi không thể giảm được. Ví dụ, nhiều nước giảm đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng ta thì không thể. Ngoài ra, cũng không thể giảm an sinh xã hội và lương.
Vì thế, chỉ có thể bù đắp bằng thâm hụt ngân sách. Kiên quyết giữ mức 5% là không thể đạt được, nhưng 8% thì căn cứ vào đâu, hay thấp hơn, QH sẽ yêu cầu Chính phủ làm rõ căn cứ. Ngoài ra, cần làm rõ tổng thể gói kích cầu là bao nhiêu. Miễn giảm thuế là bao nhiêu, sử dụng trái phiếu Chính phủ bao nhiêu? Vay, ứng trước thế nào?
Ủy ban cũng phải tính toán thêm các khoản chi thế nào cho phù hợp với Luật Ngân sách. Theo luật, vay để bù đắp bội chi thì không được vượt quá chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Năm nay chi cho đầu tư là 118 ngàn tỷ đồng, dự kiến bội chi sẽ là 87 ngàn. Như vậy, theo đúng luật thì chỉ được bội chi thêm 30 ngàn tỷ đồng nữa. Vậy giải quyết câu chuyện này như thế nào? QH cần đưa ra được quyết sách đúng đắn, phù hợp. Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải thực hiện được vai trò giám sát của mình.
Chung lưng đấu cật
Từng có ý kiến đề nghị trong những trường hợp cấp bách, các ủy ban của QH có thể thành lập ủy ban lâm thời để điều tra những vấn đề cấp bách. Ủy ban Tài chính - Ngân sách có dự kiến sẽ thực hiện giám sát hay lập ủy ban để thẩm định hiệu quả các gói kích cầu không?
- Theo quy định của Luật Giám sát, Ủy ban sẽ nghe ba cơ quan giải trình trước phiên họp toàn thể lần thứ 13 sắp tới. Sau khi nghe xong, chúng tôi sẽ đi vào giám sát cụ thể các đối tượng, nguyên tắc vì gói kích cầu đang thực hiện, cũng cần có thời gian đánh giá. Có những vấn đề cần giám sát ngay để có điều chỉnh chính sách phù hợp. Chúng tôi sẽ có khảo sát và điều tra độc lập.
Đang có nhiều đánh giá khác nhau về hiệu quả gói kích cầu do Chính phủ thực hiện. Theo ông, hiệu quả gói kích cầu này đến đâu?
- Bước đầu đem lại kết quả. Có thể ví đây như miếng võ đầu tiên. Vì khi nền kinh tế đang suy giảm, luôn phải thực hiện tăng chi trước, các nền kinh tế lớn đều bỏ tiền ra để cấp cứu, chẳng hạn như Mỹ.
Lúc này không phải dùng các nguyên tắc thông thường trước đây như cân bằng ngân sách. Nếu vẫn áp dụng những nguyên tắc đó thì sẽ không thể ngăn ngừa được quá trình suy thoái.
Theo tôi, kinh tế dù suy giảm nhưng không âm. Tình hình quý I, phong vũ biểu nền tài chính là thị trường chứng khoán, bất động sản... đều lên. Bất động sản cũng nhúc nhích đi lên, chưa kể hoạt động tín dụng.
Những dấu hiệu phục hồi đã có, còn nhanh hay chậm thì do kích cầu. Quốc hội và Chính phủ sẽ chung lưng đấu cật để cùng giải quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế, cùng vào cuộc để gói kích cầu hiệu quả.