Cơ sở để đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ xã phường, thị trấn

09:41, 27/04/2009

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn. Để bạn đọc hiểu thêm về chủ trương này, cũng như cách thức tiến hành và những kết quả ban đầu,  phóng viên (PV) Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo của tỉnh về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, phường, thị trấn.

PV:  Thưa đồng chí, hiện nay ở tỉnh ta đang tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND xã, phường, thị trấn. Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm này?

 

Đ/c Nguyễn Thanh Tùng: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND xã, phường, thị trấn là thực hiện Điều 26 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây là sự thể hiện quyền dân chủ của nhân dân. Đồng thời cũng thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận trong việc giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sự điều hành của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trước Đảng, Nhà nước và trước nhân dân, giúp cho đội ngũ cán bộ có tránh nhiệm hơn với nhân dân, tạo mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ với nhân dân, góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ ở các địa phương.

 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp cấp uỷ, chính quyền có cơ sở để đánh giá đúng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn, kịp thời động viên những cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tín nhiệm cao, đồng thời xem xét những cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp. Đây cũng là cơ sở để cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp nhận xét, đáng giá, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ để chuẩn bị một bước về nhân sự cho Đại hội Đảng và chuẩn bị cho bầu cử HĐND, UBND trong thời gian tới.

 

PV: Để triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đạt được mục đích yêu cầu đề ra, với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tham mưu cho tỉnh và chỉ đạo các địa phương thực hiện như thế nào?

Đ/c Nguyễn Thanh Tùng: Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 31/3/2008 về triển khai Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo làm điểm tại 3 xã: xã Bá Xuyên (Thị xã Sông Công), xã Lương Phú (huyện Phú Bình) và Thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hoá).

 

Sau khi làm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về lấy phiếu tín nhiệm do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó ban, thành viên là đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tổ chức và Trưởng các tổ chức đoàn thể của tỉnh. Để chỉ đạo chặt chẽ và đồng bộ, Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Hướng dẫn Liên tịch số 31-HDLT/UBND-UBMTTQ ngày 02/3/2009 Hướng dẫn thi hành Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Uỷ ban MTTQ tỉnh có Kế hoạch số 28-KH/UBMTTQ hướng dẫn MTTQ các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện.

 

PV: Đồng chí có thể đánh giá việc tổ chức thực hiện, tiến độ và kết quả bước đầu của các địa phương?

 

Đ/c Nguyễn Thanh Tùng: Thực hiện Nghị quyết liên tịch của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chỉ thị của Tỉnh uỷ, Kế hoạch liên tịch của UBND tỉnh và Uỷ ban MTTQ tỉnh, đến nay 9/9 huyện, thành phố, thị xã đều thành lập Ban Chỉ đạo và đã tổ chức triển khai. Trong tháng 3/2009 các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm viết bản kiểm điểm. Tháng 4/2009 tổ chức hội nghị góp ý ở  3.024 thôn, xóm bản, tổ dân phố (hội nghị này không lấy phiếu). Tháng 5/2009 tổ chức lấy phiếu ở tất cả 180/180 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 779/813 người được lấy phiếu trong đợt này (14 người không lấy phiếu do thời gian giữ chức vụ chưa đủ 2 năm). Đến nay việc tổ chức hội nghị ở thôn, xóm, bản, tổ dân phố để nhân dân nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào bản kiểm điểm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND đã cơ bản hoàn thành. Từ ngày 22/4/2009 nhiều huyện như Phổ Yên, Võ Nhai, Định Hoá, Đồng Hỷ…đã thực hiện bước hai là tổ chức hội nghị ở các xã, phường, thị trấn để lấy phiếu tín nhiệm.

 

Có thể nói, việc lấy phiếu tín nhiệm là việc là một việc làm thường xuyên, 2 năm tổ chức một lần. Nhưng đây là lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức triển khai thực hiện. Vì vậy đã được các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo chặt chẽ, có được sự phối hợp thống nhất giữa MTTQ với chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. các hội nghị ở thôn, xóm, bản, tổ dân phố tỷ lệ hộ gia đình tham dự đạt tỷ lệ cao. Các ý kiến góp ý mang tính xây dựng và có trách nhiệm tập trung góp ý những ưu điểm, khuyến điểm về công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh phí, kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về đạo đức, lối sống, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Người được góp ý tiếp thu với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, tạo được không khí dân chủ, đoàn kết.

 

Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, một số ít nơi tỷ lệ hộ gia đình dự hội nghị chưa cao, một số bản kiểm điểm chưa sâu sắc, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.

 

Để khắc phục tồn tại trên, đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

 

PV: Đối với những trường hợp có số phiếu tín nhiệm dưới 50% số người bỏ phiếu thì biện pháp xử lý như thế nào?

 

Đ/c Nguyễn Thanh Tùng: Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm không phải để xem xét, xử lý cán bộ. Qua chỉ đạo và kết quả ban đầu ở những xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, kết quả cho thấy nhiều đồng chí cán bộ được số phiếu tín nhiệm cao. Kinh nghiệm xử lý của các tỉnh đối với các trường hợp có số phiếu thấp dưới 50% là cho thôi chức, hoặc điều chuyển công tác.

 

Đối với Thái Nguyên, sau khi kết thúc việc lấy phiếu vào cuối tháng 5/2009, nếu có những trường hợp có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50%, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo của tỉnh. Ban Chỉ đạo của tỉnh sẽ báo cáo và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét cho ý kiến chỉ đạo.

 

Xin cảm ơn đồng chí