Như một bản hùng ca

10:47, 28/04/2009

Công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước đã ghi nhận sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ. Trên mảnh đất Thái Nguyên Anh hùng, câu chuyện về một Đại đội thanh niên xung phong đã hy sinh tại ga Lưu Xá trong khi giải tỏa hàng hóa là một bản hùng ca trường tồn cùng năm tháng.

"Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử…

 

Vâng có cái chết hóa thành bất tử, đó là sự hy sinh của 61 đội viên TNXP của Đại đội 915  đêm Nô-en năm 1972 tại ga Lưu Xá, Thái Nguyên. Các chị, các anh tuổi còn rất trẻ, họ đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho Bắc, Nam sum họp một nhà.

 

Ðội 91 TNXP Bắc Thái gồm các Ðại đội 911, 912, 913, 914 và 915, biên chế 3.000 đội viên được thành lập tháng 1/1966 với nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chỉ một ngày sau khi thành lập, Ðội 91 TNXP đã hành quân lên làm đường Na Rì-Áng Toòng; tiếp đó là tham gia xây dựng các tuyến đường Bắc Cạn-Na Rì, Nà Phặc-Ðèo Gió-Ngân Sơn, Chùa Hang-Hợp Tiến, Nam Tiến-Suối Nước; chốt giữ ứng cứu cầu đường bảo đảm giao thông ở các trọng điểm bắn phá của địch ở ngầm Bến Tượng, cầu Ða Phúc...

 

 

Ðại đội 915 được thành lập tháng 6/1972, biên chế 102 cán bộ, đội viên, do Ðại đội trưởng Triệu Ðức Việt chỉ huy. Chỉ trong vòng sáu tháng sau khi thành lập, Ðại đội đã nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở các trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá như tuyến đường 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên, đường 16A trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang; cầu Ða Phúc, cầu Gia Bảy, cầu Trà Vường, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh...

 

Cuối năm 1972, Mỹ leo thang bắn phá miền bắc. Cảng Hải Phòng bị địch phong tỏa, các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị đánh phá hết sức ác liệt. Tuyến giao thông Lạng Sơn-Thái Nguyên - Hà Nội đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho chiến trường miền nam. Ga Lưu Xá (TP Thái Nguyên) và ga Tu Ðồn (Lạng Sơn) đã trở thành hai cảng nổi của miền bắc, hàng ngày tiếp nhận hàng ngàn tấn lương thực gửi vào tiền tuyến. Chiều 23/12/1972, Uỷ ban hành chính tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Ðội 91 TNXP cử cán bộ, đội viên tham gia giải tỏa lương thực tại ga Lưu Xá... 66 đội viên Đại đội TNXP 915 đã xung phong đi làm nhiệm vụ. Trong số những người này còn có cả những người đã bị thương trong trận máy bay Mỹ ném bom ngày 13/9/1972 tại xã Linh Sơn.

 

Mờ sáng 24.12.1972, từ nơi đóng quân ở xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, 66 đội viên Đại đội TNXP 915 do Đội phó đội 91 Nguyễn Thế Cường từ trên đội xuống trực tiếp chỉ huy đã cấp tốc có mặt tại ga Lưu Xá. 66 đội viên Ðại đội 915 với hơn ba phần tư đội viên nữ ở lứa tuổi 15-18 đã có một ngày lao động cật lực, vật lộn với những bao gạo, bao ngô nặng 50-100kg. 19 giờ, thời điểm theo kế hoạch phải rút quân về địa điểm tập kết tại Trường đại học Cơ điện đã không thực hiện được. Mệnh lệnh chiến trường đã không cho phép họ dừng lại vì hàng hóa phải bốc dỡ còn quá nhiều. Ðội phó Nguyễn Thế Cường quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển đến hầm trú ẩn của khu nhà trẻ ga Lưu Xá gần đó chuẩn bị ăn tối rồi tiếp tục làm việc. Nhưng khi cô cấp dưỡng Phùng Thị Tấm vừa đặt gánh cơm đầu tiên xuống cửa hầm thì cũng là lúc 34 chiếc máy bay B52 và 40 chiếc máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ ồ ạt lao vào ném hơn 700 quả bom phá các loại xuống khu nam TP Thái Nguyên. Một loạt bom rải thảm đã đánh trúng vị trí hầm trú ẩn. 61 cán bộ đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh không nguyên vẹn hình hài.

 

Trong ký ức của những cựu thanh niên xung phong năm xưa, sự hy sinh của đồng đội là tổn thất to lớn những cũng thật bi hùng. Để hằng năm mỗi khi gặp nhau, câu chuyện về 61 thanh niên xung phong như mới xảy ra ngày hôm qua, rưng rưng xúc nước mắt.

 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đau thương mất mát của ngày hôm qua vẫn còn đó. Ngày 23/7/2007, trong dịp trở lại mảnh đất chiến khu Thái Nguyên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm nơi tưởng niệm 61 liệt sĩ TNXP hy sinh năm 1972. Tại đây Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trước sự hy sinh oanh liệt của các cán bộ, đội viên TNXP. Chủ tịch cũng căn dặn Đảng bộ nhân dân Thái Nguyên phải nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh ấy. 

 

61 thanh niên xung phong đã sống, cống hiến cả tuổi xuân cho công cuộc giải phóng đất nước, và không bao giờ toan tính ngày sau sẽ được hưởng ưu đãi hoặc mong xã hội sẽ nhớ đến mình. Nhưng với tình cảm và sự biết ơn của những người đang sống trong hòa bình hôm nay, những cựu thanh niên xung phong Thái Nguyên, Đảng bộ nhân dân trong tỉnh đã lần giở lại lịch sử, chắp nối các sự kiện, gặp gỡ các nhân chứng để sự hy sinh của các chị, các anh được ghi nhận. Một cầu truyền hình mang tên Ký ức không quên đã được thực hiện vào ngày giỗ chung của các chị, các anh. Để tri ân, nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy sống xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của cha anh ngày trước. Chị Phạm Thị Hà, giáo viên trường THPT Lương Ngọc Quyến xúc động:  Sự hy sinh của các thanh niên xung phong năm 1972 là tấm gương không phai mờ trong lịch sử của dân tộc. là giáo viên dạy lịch sử trong nhà trường tôi càng thấy trách nhiệm của mình là phải giáo dục thế hệ trẻ trân trọng và cố gắng học tập để xứng đáng với sụ hy sinh đó.

 

Chúng tôi trở lại Gia Sàng vào những ngày tháng Tư đầy nắng, khi cả nước đang rộn rã kỷ niệm ngày giải phóng nước nhà 30/4. Mảnh đất dày đạn bom xưa giờ đã xanh màu ngô lúa, xin thắp một nén nhang thơm tưởng nhớ những tấm lòng đã xả thân vì đất nước. Các chị, các anh đã góp một phần xương máu cùng quân dân cả nước làm nên một Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nước nhà.