Những tấm gương bình dị mà cao quý

09:23, 26/04/2009

Tối  qua 26/4, 13 tấm gương tiêu biểu được phát hiện từ cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" đã được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam 2009 tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ đã tới dự và phát biểu đánh giá cao tinh thần vượt khó, cống hiến vì cộng đồng của những tấm gương tiêu biểu.

13 cá nhân được vinh danh đều là những người bình thường, nhưng đã thầm lặng đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Theo Ban Tổ chức, những tấm gương tiêu biểu được vinh danh trong chương trình cho thấy, trong cuộc sống luôn luôn có những người tốt, những người sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì người khác không chút đắn đo.

 

13 người được nhận cúp Vinh quang Việt Nam đó là: ông Mai Bảo, giáo dân giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), suốt 36 năm qua, không tiền lương, không phụ cấp, ông liên tục chèo thuyền chở gạo, chở bộ đội ra, vào đảo Sơn Dương; ông Mai Sơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, người đã góp công xây được 763 cây cầu bê tông, hơn 700km đường bằng bê tông và trải nhựa ở vùng nông thôn Bến Tre; hai chiến sĩ Nguyễn Xuân Thuyết và Nguyễn Hữu Cường, bộ đội biên phòng đồn Cù Bai (Quảng Trị), vượt ngàn dặm xa núi thẳm đến dạy chữ cho con em các bản vùng sâu; ông Phàn Phù Lìn, người Dao ở xã Trịnh Tường, Bát Xát (Lào Cai), "thần nông" giúp mình và giúp bà con phát triển kinh tế; sư cô Thích Nữ Huệ Hướng trụ trì chùa Bửu Thắng (xã Thống Nhất, Krông Búc, Đắc Lắc), mang mái ấm đến cho hơn 150 cảnh đời bất hạnh; GS-TS y học Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, một Nhà giáo Nhân dân đóng góp lớn cho y học nước nhà; ông Thân Đức Nam, Tổng Giám đốc Cienco 5 và  ông Phạm Văn Mật, Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, những điển hình về doanh nhân, doanh nghiệp nhà nước thành công; Tiến sĩ nông nghiệp Lê Hữu Hải (Cai Lậy, Tiền Giang), một "dũng sĩ diệt côn trùng" và là "nhà khoa học của nông dân"; ông Trần Mạnh Cường, ở xóm Tân Lập, xã Bồng Khê (Con Cuông, Nghệ An), người lặng lẽ trồng nên khu rừng 20ha đem tặng cho xã hội để làm du lịch sinh thái; ông Trần Văn Nhâm và bà Lê Ngọc Lệ (ở Rạch Giá, Kiên Giang), hai vợ chồng già rời bỏ đô thị vào rừng U Minh mở lớp học tình thương cho trẻ nhỏ.