Quốc hội cần giám sát dòng tiền kích cầu đi đến đâu

11:08, 12/04/2009

Băn khoăn về hiệu quả gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất, Quốc hội cần vào cuộc để giám sát đường đi của dòng tiền. Về lâu dài, cần cải tổ và nâng cao năng lực điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Gói hỗ trợ 4% lãi suất không hề mới mẻ vì trước đây khi triển khai Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, chúng tôi đã được giao soạn Nghị định 51 về việc các dự án khuyến khích đầu tư thì được hưởng hỗ trợ lãi suất.

 

Tuy nhiên, phải lập hội đồng để xác định chính xác những doanh nghiệp và dự án được hưởng hỗ trợ. Làm như vậy mà vẫn không thể hạn chế được sự lạm dụng.

 

Đến nay, trong tình hình khẩn cấp, ta dùng biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nhưng cần đánh giá chặt chẽ, sát sao, hạn chế tiêu cực là ngân hàng và người đi vay tự thỏa thuận.

 

Susan J. Adams, chuyên gia của dự án Star: "1/3 cho DNNN có hợp lý?"

 

Gói hỗ trợ lãi suất của Việt Nam, 1/3 dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), có hợp lý không? Nhất là trong bối cảnh Việt Nam định hướng thu hẹp khu vực DNNN, mở rộng địa bàn hoạt động cho DN vừa và nhỏ. Trong khi đó, vẫn có những khuyến cáo về đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hướng tới tăng trưởng bền vững.

 

Cần nâng cao năng lực điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hình như, ngân hàng Trung ương Trung Quốc khéo léo hơn Việt Nam trong việc giúp Chính phủ hấp thu được nguồn vốn hỗ trợ lớn từ đầu tư nước ngoài.

 

Đâu là ứng phó chính sách tiếp theo, phù hợp để tránh lạm phát lần hai và thoát nhanh khỏi khủng hoảng? Con đường mà Việt Nam hướng tới sau khi thoát khỏi khủng hoảng là tăng trưởng ấn tượng 8,5% hay tăng trưởng bền vững.

 

TS Võ Trí Thành, Trưởng Ban Hội nhập kinh tế quốc tế (CIEM): "Quốc hội phải vào cuộc"

 

Cần minh bạch gói kích cầu bằng cách công khai trên mạng Internet, ra một website riêng. Vì đến nay, hiệu quả gói kích cầu vẫn còn mù mờ cả về tiền cũng như hiệu quả.

 

Hơn nữa, Quốc hội phải vào cuộc để giám sát xem dòng tiền đi đến đâu. Những kiến nghị về lập nhóm giám sát không đi đến đâu cả. Quốc hội thì "xuân thu nhị kỳ" mới họp, trong khi vấn đề ở đây là phải duy trì giám sát định kỳ hàng tháng.

 

Lựa chọn chính sách thời điểm hiện nay là một bài toán đa diện phức tạp và nhạy cảm. Việt Nam đang đứng trước những áp lực bên trong và bên ngoài nặng nề. Kinh tế thế giới chấn động vì cơn bão tài chính và suy thoái, trong khi kinh tế Việt Nam rất mở và rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô còn cao. Bên trong nền kinh tế, cả áp lực phải chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế, áp lực phải đảm bảo ổn định xã hội và tiếp tục lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô đều rất lớn. Các chính sách kinh tế đề ra lại khó có tác động cùng chiều đối với các mục tiêu và các nhóm xã hội khác nhau.

 

Các khoản khác trong gói kích thích kinh tế tương đương 6 tỷ USD cần được minh bạch và cụ thể hóa hơn về mục tiêu và đối tượng. Điều này sẽ giúp cải thiện niềm tin thị trường và hiệu lực thực thi.

 

Đối với chính sách tiền tệ, cần bỏ trần lãi suất cho vay nói chung để lãi suất mang tính thị trường tốt hơn và qua đó, nguồn lực phân bổ có hiệu quả hơn. Chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn theo hướng kết hợp nới biên độ với điều chỉnh tỷ giá công bố của Ngân hàng Nhà nước, song tránh “sốc” cho thị trường.

 

Lãi suất cơ bản khó có thể giảm nữa. Lý do là VN có mức độ đôla hóa và “vàng hóa” cao. Chính sách lãi suất Việt Nam đồng phải trong tương quan với lãi suất trái phiếu Chính phủ (đang phát hành và dự định phát hành), lãi suất USD và mức độ kỳ vọng thay đổi tỷ giá VNĐ/USD (Hiện các dự báo cho rằng tỷ giá VNĐ/USD (liên ngân hàng) có thể từ gần 17.500 lên 18.200 - 18.500 trong năm 2009) .

 

Thường xuyên cập nhật thông tin trong và ngoài nước; đánh giá kịp thời, dù chưa đầy đủ, hiệu quả các gói kích thích hỗ trợ kinh tế và tác động đối với tình hình sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, việc làm, lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, rủi ro tài chính... Trên cơ sở đó có thể có những điều chỉnh chính sách kịp thời.

 

Thiết lập thể chế (tổ chức, cơ chế) rà soát chính sách. Thể chế rà soát chính sách cần đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính độc lập và có tầm nhìn tổng thể nền kinh tế. Cho đến nay, thể chế rà soát chính sách ở Việt Nam còn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Hà Văn Hiền: Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ thảo luận và cân nhắc các vấn đề xung quanh cấp bù lãi suất. Xem xét các phản ứng phụ, các tiêu cực phát sinh. Nhiều vấn đề cũng sẽ được bàn bạc như khả năng thâm hụt ngân sách, kiểm soát xem đường đi của dòng tiền có đến đích không.