Trung Lương thực hiện quy chế dân chủ

08:34, 02/04/2009

Khi tìm hiểu về thực hiện Quy chế dân chủ ở huyện Định Hóa, các đồng chí lãnh đạo huyện giới thiệu chúng tôi về xã Trung Lương, một xã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Xã Trung Lương có 1.056 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em trong đó người Tày chiếm 80% tổng dân số toàn xã. Toàn xã có 23 xóm với 23 chi bộ nông thôn. Để thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Uỷ ban nhân dân xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban, đồng chí Chủ tịch ủy ban MTTQ làm Phó Trưởng ban Thường trực.Các đồng chí trưởng hoặc phó ban ngành, đoàn thể xã hội làm uỷ viên.

 

Điểm nổi bật ở xã là để việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc nhanh, gọn, tập trung, bí thư các chi bộ kiêm luôn Trưởng Ban công tác mặt trận các xóm, trưởng xóm làm phó ban. Do đó khi triển khai công việc khá thuận lợi. Vai trò của Bí thư các chi bộ đươc nâng cao. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ xã đã tổ chức cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và nhân dân học tập, nghiên cứu  những nội dung cơ bản về Quy chế dân chủ. Qua học tập, nhận thức của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tất cả những việc từ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đến việc tham gia đóng góp các loại quỹ, thuế ở địa phương đều được công khai, theo phương châm " Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

 

Khi nói về những việc làm cụ thể ở xã đồng chí Nguyễn Đức Hưng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Khi triển khai Quy chế dân chủ, chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền. Do đó, nhận thức của người dân đã nâng lên. Điển hình như khi thực hiện Chương trình 134 và 135 của Chính phủ hỗ trợ sản xuất, đời sống cho nhân dân, những xóm được triển khai, nhân dân trong xóm đã dân chủ bàn bạc thực hiện. Ban công tác mặt trận xóm tổ chức họp nhân dân, bình xét các đối tượng được hưởng thụ, niêm yết nếu không có ai thắc mắc thì mới ra quyết định thực hiện. Đặc biệt, khi làm đường giao thông nông thôn theo Chương trình 134 và 135 đã có nhiều đoạn đường qua ruộng canh tác, vườn cây ăn quả, thậm chí qua cả đất thổ cư. Trong khi họp xóm để triển khai cụ thể, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất thổ cư, đất canh tác để làm đường. Trên tuyến đường từ Hồng Quang đi Văn Lương dài khoảng 2 km, đã có nhiều gia đình hiến đất làm đường như gia đình ông Hoàng Văn Thư hiến 200 mét chiều dài đất vườn, ông Nguyễn Đình Thông hiến hơn 360 m2 ruộng, Bà Hoàng Thị Tạ, tự tháo dỡ nhà để giải phóng mặt bằng…

 

Khi xét công nhận gia đình văn hóa, các gia đình trong xóm tự nhận xét, góp ý lẫn nhau, sau đó lập danh sách đề nghị xã xem xét công nhận. Hay xét công nhận hộ nghèo theo các tiêu chí, từ xóm đến xã cũng thực hiện công khai, nên khi thực hiện các chế độ cho hộ nghèo, toàn xã không có trường hợp nào thắc mắc, không có đơn thư tố cáo khiếu nại, nhân dân luôn đoàn kết.

 

Một điểm thuận lợi trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã là hệ thống thông tin được phát huy. Hệ thống loa truyền thanh ở các xóm đã thường xuyên thông báo các văn bản chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nuớc… đến nhân dân.