Trong những ngày kỷ niệm lịch sử đầy ắp suy tư này, dường như mỗi chúng ta đều như nghe thấy "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về".
Và rồi, "một quá khứ gần và một quá khứ xa ít hay nhiều hòa vào nhau trong sự đa dạng của thời hiện tại: trong khi một lịch sử gần chạy nhanh về với chúng ta thì một lịch sử xa lại chạy đến với chúng ta bằng những bước chân chậm rãi" (F. Braudel). Nhưng dù "gần" hay "xa", dù "nhanh" hay "chậm", thì những "rì rầm trong tiếng đất" ấy vẫn có sức khơi gợi mãnh liệt những nỗi niềm dân tộc. Tiếng vọng từ quá khứ "gần" hay quá khứ "xa" thì đều cùng vang lên những âm hưởng giục giã xao động lòng người như "Xung gan giận toan thiêu rừng Bắc. Vẫy tay thù mong tát biển Đông… Dòng Lam Thủy máu hồng cuồn cuộn. Mây Hồng Sơn khí giận ùn ùn…" trong lời thơ của Phan Bội Châu nói về khí thế của những cuộc khởi nghĩa giành quyền độc lập trong đêm đen nô lệ thời Bắc thuộc cách đây hơn ngàn năm. Lời tâm huyết của cụ Phan trong "Việt Nam quốc sử bình diễn ca" ấy dường như liền mạch cảm xúc với "Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc…/Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống…/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành" trong lời thơ của Quang Dũng những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Phải chăng những tiếng vọng ấy đã giục giã mỗi niềm suy tư về vận nước, mà đôi khi những lo toan về miếng cơm manh áo hằng ngày phần nào bị chìm lấp đi. Những tiếng vọng ấy đánh thức những tiềm năng đang ngủ quên trong sâu thẳm tâm tư của nhiều con người đang bận bịu bươn chải kiếm sống. Những tiềm năng ấy khác nào đốm lửa được ủ kín trong tro ấm của bếp lửa đã tắt, chỉ chờ ngọn gió thổi bùng lên. Ngọn gió 30 tháng 4 hào hùng với hào khí của sự nghiệp giải phóng đất nước hoàn thành trọn vẹn. Ngọn gió của ngày 7 tháng 5 "Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu" mà nếu không có những thời khắc lịch sử ấy, thì cũng không thể có sự trọn vẹn kia để non sông quy về một mối. Biết bao máu của các thế hệ Việt
Thế hệ những người đang sống hôm nay phải nghe cho ra những "rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về" trong bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi "Nước chúng ta. Nước những người chưa bao giờ khuất". Những tiếng vọng của Đất nước, những tiếng vọng của ông cha nhắc nhở con em họ phải sống thế nào cho xứng đáng với xương máu đã đổ ra.
Khi những tiềm năng ngủ quên được đánh thức sẽ bật ra sức mạnh dời non lấp biển của khối quần chúng nhân dân đông đảo, những người thực sự làm nên lịch sử. Chính những con người bình thường ấy hợp lực lại thành nhân dân từng biểu tỏ sức năng động tự thân làm xoay chuyển cục diện như lịch sử từng ghi nhận. Chính sức năng động tự thân của khối quần chúng đông đảo được khởi động sẽ tạo ra những đột phá mà mọi tính toán, mọi "quy hoạch" đều ngỡ ngàng. Lịch sử cho thấy rất nhiều bài học như vậy.
Máu xương của ông cha đã đổ ra sẽ không uổng khi sự hy sinh ấy khởi động được ý chí nhân dân, làm bùng lên sức năng động tự thân của khối quần chúng lớn lao từng làm nên lịch sử. Và lịch sử sẽ được viết tiếp.