Tổ chức cơ sở đảng bao gồm chi bộ cơ sở và đảng bộ cơ sở, được thiết lập tại các đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp; các các đơn vị cơ sở trong quân đội nhân dân, công an nhân dân hoặc các địa phương như xã, phường, thị trấn.
Tùy theo số lượng đảng viên có ở trong mỗi đơn vị cơ sở mà cấp có thẩm quyền quyết định thành lập chi bộ cơ sở hoặc đảng bộ cơ sở. Dù là chi bộ hay đảng bộ cơ sở thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đều như nhau và được quy định cụ thể tại Điều lệ Đảng hiện hành. Tại điểm 1, Điều 21 của Điều lệ Đảng đã quy định: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Các tổ chức cơ sở đảng là cầu nối liền Đảng với nhân dân; là nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên; nơi đào tạo cán bộ cho Đảng; nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng vào quần chúng và tổ chức thực hiện.
Vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng trước hết đòi hỏi các chi bộ, đảng bộ cơ sở phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, nắm vững tình hình, đặc điểm của đơn vị, cơ sở để xác định vị trí, nhiệm vụ chính trị của mình; đề ra được nhiệm vụ trong từng thời gian cụ thể, phương hướng, mục tiêu, biện pháp phấn đấu mang tính khả thi; bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các chi bộ, đảng bộ cơ sở hoạt động trong mối quan hệ thường xuyên với quần chúng và với thực tiễn, chủ động giải quyết những vấn đề đặt ra hàng ngày, hàng giờ trong sản xuất, công tác và đời sống xã hội; phát huy tính chủ động và sáng tạo của chi bộ, đảng bộ cơ sở, đồng thời biết tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên. Sự lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ cơ sở nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng, phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân và lãnh đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên kiểm tra, giám sát, giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong nhận thức và hành động; sàng lọc và loại bỏ ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất; tạo điều kiện củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ cơ sở.
Vai trò nền tảng và vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất, tạo tiền đề cho nhau cùng phát triển. Vai trò hạt nhân chính trị được phát huy tốt thì càng củng cố cho vai trò nền tảng của tổ chức cơ sở đảng thêm vững chắc. Ngược lại, trên cơ sở giữ vững vai trò nền tảng thì vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng cũng được nâng cao.
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thi đua hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phát huy sức mạnh của cả dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì việc nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò nền tảng và hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng đối với mỗi cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Mỗi tổ chức cơ sở đảng chỉ có thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử nếu biết tranh thủ sức mạnh nền tảng và hạt nhân chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình.