Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng: Một trí tuệ lớn, khí phách bất khuất

08:02, 02/05/2009

Đồng chí Trần Phú quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Từ một người Việt Nam yêu nước, đến với Liên Xô, đến với lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng chí Trần Phú đã trở thành chiến sĩ cộng sản.

Xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam

 

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, tháng 11-1929, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động với  nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo "Luận cương chính trị". Thời gian này, đồng chí đã khởi thảo "Luận cương chính trị" của Đảng ngay trong tầng hầm ngôi nhà của một quan chức thực dân Pháp ở phố Giăng Xôle (nay là số nhà 90, phố Thợ Nhuộm, Hà Nội). Tháng 10-1930, tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đồng chí Trần Phú đã trình bày bản dự thảo "Luận cương chính trị" của Đảng và đã được Hội nghị nhất trí thông qua.

 

Bản Luận cương chính trị đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương; luận giải một cách sắc bén về tính chất của cuộc cách mạng ở Đông Dương. Đường lối cơ bản của cách mạng Đông Dương và cách mạng Việt Nam nêu trong "Luận cương chính trị" tháng 10-1930 là sự khẳng định về mục tiêu và đường lối cách mạng mà "Chính cương vắn tắt" của Nguyễn Ái Quốc nêu ra tháng 2-1930.

 

"Luận cương chính trị" khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình cách mạng: "Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Các Mác và Lê-nin làm gốc".

 

Giá trị lý luận của bản "Luận cương chính trị" do đồng chí Trần Phú khởi thảo là đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và Đảng của giai cấp vô sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam.

 

Tổng Bí thư đầu tiên 

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 7-1930 đến đầu tháng 10-1930 sống trong hoàn cảnh bị địch truy lùng gắt gao, điều kiện làm việc khó khăn, di chuyển địa điểm nhiều lần, nhưng đồng chí Trần Phú đã trực tiếp và chỉ đạo biên soạn hàng loạt văn kiện quan trọng của Đảng, mở đường cho phong trào cách mạng dân tộc. Điều đó thể hiện rõ năng lực làm việc phi thường của đồng chí.

 

Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất họp tháng 10-1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc), cùng với việc thông qua "Luận cương chính trị", Hội nghị đã thảo luận và thông qua nhiều văn kiện quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức của Đảng, công tác dân vận, công tác mặt trận đặt nền móng cho việc hình thành một số tổ chức quần chúng quan trọng của Đảng như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản…

 

Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đã chính thức bầu đồng chí là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, Trưởng ban Công vận Trung ương, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lê-nin cho cán bộ, đảng viên. Đồng chí cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra tờ báo Cờ vô sản, cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng; Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Đảng; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng... Được sự quan tâm theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong thời kỳ 1930 - 1931, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước đã bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên năm 1931 lên tới 64.000 người. Tại một số tỉnh và thành phố lớn như Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Mỹ Tho, Bến Tre, Quảng Ngãi, vùng mỏ Quảng Ninh… những cuộc biểu tình và bãi công của công nhân diễn ra liên tiếp. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng đặt tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, tạo ra cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô - viết Nghệ Tĩnh.

 

Tấm gương bất khuất

 

Đồng chí Trần Phú giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng được hơn 5 tháng, một thời gian không dài, nhưng cống hiến cho Đảng, cho đất nước và nhân dân thật lớn lao.

 

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang có những bước phát triển mới, Trung ương Đảng đang triển khai nhiều chủ trương quan trọng, do có kẻ phản bội khai báo, đồng chí Trần Phú đã bị địch bắt lúc 8h sáng ngày 18-4-1931. Bọn giặc đưa đồng chí về giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, kẻ thù đã dùng mọi cực hình để tra tấn, song chúng đã phải lùi bước trước tinh thần gang thép của đồng chí. Trước những hành động tra tấn dã man hoặc thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, đồng chí luôn chủ động tiến công: "Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng tôi, nước tôi, chứ không phải để khai cho các ông bắt bớ".

 

Ba tháng bị địch giam cầm, tra tấn dã man, phút lâm chung, đồng chí nắm tay một bạn tù dặn lại: "Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6-9-1931 ở Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn trên tay bạn bè, đồng chí. Năm ấy đồng chí mới bước vào tuổi 27, độ tuổi tài năng đang phát triển để cống hiến cho cách mạng. Cuộc đời của Tổng Bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

 

Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân ta, đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giai đoạn đó. Bài tưởng nhớ đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản ở Đông Dương".

 

Phát huy tinh thần "giữ vững ý chí chiến đấu"

 

Bước sang giai đoạn đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng mà đồng chí Trần Phú là một trong những người khởi nguồn, xây đắp, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều so với trước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cơ hội và thách thức vẫn đan xen. Nền kinh tế toàn cầu suy giảm đã ảnh hưởng đến nước ta. Các thế lực thù địch đang gia tăng thực hiện thủ đoạn "diễn biến hòa bình". Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đang phải đối mặt với cuộc chiến đấu mới không kém phần cam go, quyết liệt: cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; chống lại đói nghèo, tụt hậu để tiến cùng thời đại; cuộc chiến đấu chống xâm lăng văn hóa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… trong quá trình đổi mới và trong cuộc chiến đấu ấy, lời dặn: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" của đồng chí Trần Phú luôn là lời nhắc nhở, thôi thúc chúng ta kiên trì mục tiêu có tính nguyên tắc độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quyết tâm vững bước đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

 

Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, là dịp để tôn vinh một tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng; một trong những nhà lý luận cách mạng tiên phong có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức; một tấm gương ngời sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, bất khuất trước kẻ thù; một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực đã trọn đời cống hiến cho lý tưởng giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản.