Chủ tịch nước công bố thêm 8 Luật

09:21, 04/07/2009

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã thông báo Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 8 Luật liên quan tới các ngành Ngoại giao, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 5 mới đây.

 

Các văn bản pháp luật được công bố theo Lệnh của Chủ tịch nước gồm: Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai; Luật sửa đổi các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; các Luật sửa đổi Luật Điện ảnh; Luật Di sản Văn hóa; Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Lần đầu tiên quy định thẩm quyền cơ quan đại diện ngoại giao

 

Luật Cơ quan đại diện gồm 6 chương 36 điều, có hiệu lực từ 2/9/2009, lần đầu tiên quy định rõ vị trí pháp lý; nhiệm vụ quyền hạn; thẩm quyền, trình tự thủ tục thành lập, đình chỉ, chấm dứt hoạt động đại diện; trình tự xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế của cơ quan đại diện.

 

Thống nhất đầu mối quản lý nợ công

 

Luật Quản lý nợ công gồm 7 chương, 49 điều, có hiệu lực từ 1/1/2010, quy định thống nhất quản lý nợ trong và ngoài nước, quản lý tập trung các khoản nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách Nhà nước, điều hành các hạn mức nợ, quản lý rủi ro, cơ cấu lại danh mục nợ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nợ.

 

Đặc biệt, Luật cũng quy định cơ quan tiếp nhận phải cung cấp các thông tin về nợ công đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện kiểm tra, kiểm soát của toàn xã hội đối với việc vay và trả nợ, giúp nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam.

 

Công bố công khai quy hoạch đô thị

 

Luật Quy hoạch đô thị gồm 6 chương, 76 điều, có hiệu lực từ 1/1/2010, quy định về hoạt động quy hoạch đô thị gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị đã được phê duyệt.

 

Trong đó, Luật có điều khoản yêu cầu lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch đô thị để đảm bảo đồ án quy hoạch đô thị có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tế và của người dân.

 

Luật cũng quy định cụ thể với việc công bố công khai đồ án quy hoạch đô thị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để trình Chính phủ vào đầu tháng 11.

 

Sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Luật phù hợp với tình hình thực tế

 

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2009 mở rộng đối tượng được sở hữu nhà và đất tại Việt Nam, góp phần khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài cống hiến, xây dựng đất nước, thể hiện chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 36-NQ/TW 2004 của Bộ Chính trị. 

  

Luật sửa đổi các Luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản gồm 7 điều có hiệu lực ngay từ ngày 1/7/2009, sửa  đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Đặc biệt, Luật sửa Điều 48 Luật Đất đai, quy định về việc thống nhất cấp 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

 

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ đã giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 3 Luật (Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, và Luật Sở hữu trí tuệ) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.

 

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh cho phép tổ chức cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp sản xuất phim, phát hành phim và doanh nghiệp phổ biến phim của Việt Nam dưới hình thức hợp tác kinh doanh hoặc thành lập liên doanh.

 

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cho phép tăng cường phân cấp cho các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

 

Theo quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ bản quyền tác giả sẽ kéo dài từ 50 năm lên 75 năm kể từ khi tác phẩm (điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh) được công bố lần đầu tiên.