Đây là kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất (năm 1975) đến nay. Trước đó đã có 2 Đại hội các dân tộc thiểu số ở hai miền Bắc- Nam vào năm 1946.
Chiều qua 21/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Phát động tuyên truyền về tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam và công bố kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử đồng chủ trì họp báo.
Tại cuôc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết việc tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam là sự kiện chính trị-xã hội đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc sinh sống, kề vai sát cánh cùng nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước; tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp Cách mạng “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển”.
Đây cũng là dịp để Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của Cách mạng Việt Nam. Đại hội cũng là dịp để Đảng, Nhà nước tổ chức, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là thời kỳ đổi mới. Qua Đại hội, có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn bổ sung cho việc hoạch định chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới.
Đây là kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất (năm 1975) đến nay. Trước đó đã có 2 Đại hội các dân tộc thiểu số ở hai miền Bắc- Nam vào năm 1946.
Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày vào trung tuần tháng 5/2010. Và từ năm 2010 sẽ 10 năm tổ chức Đại hội toàn quốc một lần. Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức ở 3 cấp huyện, tỉnh và Trung ương. Tổ chức Đại hội cấp địa phương ở nơi có số dân từ 5.000 người trở lên sống thành cộng đồng. Theo đó, sẽ tổ chức đại hội tại 261 huyện, 52 tỉnh thành phố và 1 Đại hội toàn quốc. Riêng thành phố Hà Nội sẽ tiến hành đại hội ở 1 cấp thành phố. Đại hội cấp huyện, tỉnh sẽ diễn ra trong 1 ngày từ quý III đến quý IV năm 2009. Dự kiến, đại biểu dự cấp huyện không quá 250 đại biểu, cấp tỉnh không quá 300 đại biểu. Đại hội toàn quốc 1.700 đại biểu.
Tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam có mặt đầy đủ đại diện 53 dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc từ Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đến nay và định hướng đến năm 2020; Tôn vinh khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, có nhiều thành tích xuất sắc là người dân tộc thiểu số tại Đại hội các cấp.
* Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngày 21/7, Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp đã thông qua và quyết định Công bố các Chỉ thị, Quyết định của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ; Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và kế hoạch hành động; Thành lập Ban tổ chức Đại hội gồm 19 thành viên do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc là trưởng ban. Thành lập 6 tiểu ban tổ chức Đại hội được phân công nhiệm vụ cụ thể; Thông qua dự kiến số tỉnh, huyện tiến hành Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp và phương án phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc cho các địa phương; Thông qua hướng dẫn tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam cấp tỉnh, huyện.
Ban Chỉ đạo Đại hội cũng quyết định kể từ ngày 21/7 chính thức Phát động cuộc tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị cả nước và quốc tế về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện trọng đại này.