Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, tổng hợp những nguyên tắc, quy định, chuẩn mực nhằm hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ; chống lại những thói hư, tật xấu trong xã hội. Khi nhận xét về một con người có đạo đức, người ta thường nói: Đó là một con người có nhân cách. Khi ấy, đạo đức được coi là thước đo lớn nhất và dùng để đánh giá toàn bộ nhân cách con người.
Bác Hồ đã dạy chúng ta: "Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức thì là người vô dụng". Bác đã nhấn mạnh vai trò quan trọng một cách tuyệt đối của chuẩn mực đạo đức, mà khi thiếu nó, con người trở nên "vô dụng". Quan điểm của Bác là lấy đạo đức làm gốc, phải có cái ĐỨC để đi đến cái TRÍ, coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, suối.
Giáo dục và rèn luyện đạo đức phải chú ý đầy đủ đến các yếu tố hợp thành cả về nhận thức, tình cảm, ý chí và hành vi ứng xử, tạo lập những khuôn mẫu ứng xử. Đạo đức, trước hết đồng nghĩa với những tình cảm tích cực, tình yêu thương đối với con người nói chung, đối với những gì gắn bó với mỗi cá nhân, với toàn xã hội. Có được những tình cảm tích cực, việc hành động theo lợi ích tập thể sẽ không gượng ép, sẽ mang lại sự thoải mái cho mỗi cá nhân vì họ được sống theo chính tình cảm của họ. Có được những hành vi đạo đức cũng có nghĩa là có đủ hiểu biết, kiến thức để nhận thức được vấn đề. Nhìn nhận đạo đức một cách toàn diện sẽ giúp cho việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức một cách đúng đắn, khoa học.
Bác Hồ luôn nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng đạo đức không được quên việc học tập và rèn luyện, nâng cao kiến thức, mở mang trí tuệ. Người nói về đạo đức cách mạng là "…không ham tiền tài, không ham sung sướng, không ham tâng bốc mình… Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ". Bởi vậy, giáo dục đạo đức cần phải coi trọng giáo dục và rèn luyện ý chí, bản lĩnh trong hành động. Việc hình thành những thói quen tốt, những tác phong sinh hoạt, ứng xử văn hoá sẽ là cơ sở tạo nên những hành vi ứng xử có đạo đức cho mỗi cá nhân.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống; nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà được hình thành, phát triển và củng cố, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ tỉnh đã triển khai chuyên đề về "Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay đang được các ngành các cấp chú trọng quan tâm.
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TU ngày 01/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về "Xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức", trên cơ sở các tiêu chuẩn quy định chung, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều xây dựng được các tiêu chí phù hợp với cơ quan, đơn vị của mình để phấn đấu thực hiện. Quan điểm chỉ đạo về "xây" và "chống", "xây" trước, "chống" sau, lấy "xây" để "chống" trong Chỉ thị được chi tiết bằng những công việc cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực vừa dễ triển khai, vừa thuận lợi cho việc đánh giá. Việc xây dựng cơ quan văn hoá những năm gần đây được gắn chặt với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức viên chức. Lương tâm, trách nhiệm, ý thức của mỗi cá nhân trong công việc sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá nói riêng, sự phát triển của toàn xã hội nói chung.
Đánh giá sau hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ban Chỉ đạo tỉnh đã khẳng định sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, tư tưởng, tình cảm trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, những tấm gương tiêu biểu chưa được nhiều; những hành vi ứng xử, hành động làm theo Bác thể hiện chưa được rõ nét, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức tự giác trong rèn luyện đạo đức lối sống theo tấm gương cao quý nhưng vô cùng dung dị của Người.
Trong Di chúc, Bác đã căn dặn chúng ta: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thời đại mà yếu tố con người ngày càng được nhấn mạnh, quyết định sự phát triển của xã hội; một thời đại mà các cách tiếp cận để phát huy tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân ngày càng được chú trọng. Vấn đề giáo dục và tự giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống, hơn bao giờ hết đang là một vấn đề cấp bách hiện nay. Xã hội càng phát triển thì mỗi con người càng có nhiều cơ hội phát triển. Việc lựa chọn cho mình con đường đi đúng hay sai thể hiện bản lĩnh và tư chất đạo đức của mỗi cá nhân. Vấn đề cung cấp thông tin đa dạng, đầy đủ, giúp các cá nhân nâng cao nhận thức và tư duy, kiên định trong tình cảm và lý trí, tích cực phấn đấu rèn luyện để giữ vững hướng đi đúng đắn, bản lĩnh trong hành động chính là mục đích của việc giáo dục, rèn luyện đạo đức mới trong giai đoạn hiện nay. Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người, thiết thực hưởng ứng chủ đề "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" do Trung ương phát động, mỗi cán bộ, đảng viên hãy cố gắng vươn lên, hoàn thiện chính mình để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức toàn xã hội.