Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 10 vào ngày hôm qua, 8-7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo, và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban chỉ đạo, nhằm đánh giá kết quả sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2009 về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Theo Báo cáo do Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Vũ Tiến Chiến trình bày, năm 2009, công tác PCTN tiếp tục được Ðảng, Nhà nước và các cấp, các ngành xác định là một trọng tâm công tác lớn trong chỉ đạo, điều hành. Ngay từ đầu năm, Hội nghị T.Ư lần thứ 9 đã tiến hành đánh giá hai năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, hai cuộc gặp mặt một số cá nhân có thành tích chống tham nhũng được dư luận hoan nghênh. Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức thành công "Ngày sáng tạo Việt Nam 2009" với chủ đề "Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng". Cuộc đối thoại về PCTN lần thứ năm với các nhà tài trợ nước ngoài về "PCTN trong lĩnh vực đầu tư xây dựng" đã cho nhiều kinh nghiệm tốt có thể nghiên cứu, áp dụng. Sáu tháng qua, đã có nhiều văn bản, đề án quan trọng được ban hành, đặc biệt, việc Nhà nước ta vừa phê chuẩn Công ước LHQ về chống tham nhũng; Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, đã tạo nền tảng cho công tác PCTN trước mắt cũng như lâu dài, được các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong công tác này.
Thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn chi tiêu nội bộ; ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi vị trí công tác đối với một số chức danh; thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện và xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị... Theo báo cáo của sáu bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố, 115 trường hợp người đứng đầu đã bị xử lý trách nhiệm và năm trường hợp bị kiến nghị xử lý.
Sáu tháng qua, đã có nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; một số vụ án tồn đọng, kéo dài được giải quyết dứt điểm. Tiến độ, chất lượng xử lý án tham nhũng được nâng lên. Ðến nay, đã cơ bản kết thúc xử lý tám vụ án trọng điểm. Trong số 17 vụ án tham nhũng mà Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN theo dõi, chỉ đạo, ba vụ đã xét xử (vụ buôn lậu, nhận hối lộ tại Công ty Thiên Lợi Hòa; vụ tham nhũng đất đai ở Quán Nam, Hải Phòng; vụ cố ý làm trái tại Tổng công ty Dâu tằm tơ ở Bảo Lộc, Lâm Ðồng); mười vụ án đã kết thúc điều tra và đang điều tra bổ sung, trong đó có vụ Ðề án 112, vụ Ban quản lý di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ, vụ xảy ra ở Nông trường Sông Hậu, vụ buôn lậu than ở Quảng Ninh, vụ Trần Văn Khánh tham ô và cố ý làm trái tại Tổng công ty vật tư nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ Huỳnh Ngọc Sỹ liên quan dự án Ðại lộ đông-tây và môi trường nước TP Hồ Chí Minh..., và bốn vụ đang tiếp tục điều tra. Theo Thứ trưởng Công an Trần Ðại Quang, việc xử lý những vụ án có yếu tố nước ngoài khó khăn, do ta chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước. Riêng vụ Ðại lộ đông-tây, phía Nhật Bản vừa trao cho ta 3.850 trang tài liệu bằng tiếng Anh, dự tính phải tốn 1,4 tỷ đồng cho việc thuê dịch số tài liệu này. Ðiều đó cũng làm cho việc điều tra vụ án phải kéo dài. Tình trạng án kéo dài là vấn đề được các thành viên Ban chỉ đạo thuộc cơ quan tư pháp nêu lên tại phiên họp. Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng cho rằng, nguyên nhân kéo dài do hồ sơ bị trả đi trả lại bởi phải chờ kết quả giám định. Giám định hình sự thì không có vấn đề gì, nhưng giám định về kỹ thuật, đặc biệt về tài chính thì rất lâu, khiến vụ án kéo dài, gây hoài nghi trong dư luận đối với cơ quan bảo vệ pháp luật. Cũng như vậy, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nêu bất cập trong việc pháp luật quy định thời hạn điều tra nhưng lại không quy định thời hạn giám định, giám định cứ kéo dài mà không có chế tài xử lý.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá công tác PCTN sáu tháng đầu năm đạt kết quả tích cực cả về phòng và chống. Nhận thức và trách nhiệm trong công tác này được nâng lên ở các cấp, các ngành, địa phương, tạo sự tin tưởng của nhân dân về tinh thần quyết tâm và sự kiên trì của Ðảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, không "đầu voi đuôi chuột", không "đánh trống bỏ dùi". Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc nhở không được vì thế mà thỏa mãn, phải quyết liệt hơn, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và chống, trong từng thời gian có trọng tâm, trọng điểm. Chính phủ đã đưa ra gói kích thích kinh tế 17 nghìn tỷ đồng. Nhiệm vụ sắp tới của công tác thanh tra, kiểm tra cần chuyển hướng trọng tâm vào đây, xem kích cầu có đạt hiệu quả không, có đúng đối tượng, đúng chính sách không. Thủ tướng cho rằng, công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng của PCTN, nhưng điều này thực tế còn hạn chế. Cần sớm ban hành quy chế về trách nhiệm người đứng đầu trong chi tiêu ngân sách, quản lý tài sản công, công khai các khoản chi tiêu này để nhân dân giám sát. Quan tâm vấn đề xây dựng đội ngũ làm công tác PCTN, Thủ tướng lưu ý các cơ quan chức năng không để xảy ra việc người chống tham nhũng lại tham nhũng. Chúng ta PCTN quyết liệt, nhưng phải đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan cho ai và cũng không chịu sức ép nào. Thủ tướng chỉ đạo việc xử lý một số vụ án dư luận quan tâm không để kéo dài, giao Bộ Tư pháp xây dựng phương án thành lập Trung tâm giám định tư pháp nhằm khắc phục sự chậm trễ lâu này.