Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hòa bình cho các bất đồng quốc tế

07:51, 16/07/2009

   Theo đặc phái viên TTXVN, vào lúc 10 giờ sáng 15/7 theo giờ địa phương (14 giờ cùng ngày theo giờ Hà Nội), với chủ đề "Đoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển", Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 15 đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Ma-ri-tim ở thành phố Sam En-sếch (Ai Cập).

 

Hội nghị năm nay có sự tham dự của 118 đoàn đại biểu các nước thành viên NAM ở khắp các châu lục, cùng đại diện của khoảng 30 quốc gia và tổ chức quan sát viên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu đoàn Việt Nam dự hội nghị.

 

Trọng tâm chương trình nghị sự của hội nghị lần này là tìm kiếm sự đoàn kết quốc tế nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế khác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và hòa bình trên thế giới.

 

Chủ tịch đương nhiệm NAM, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-giơ đã tuyên bố khai mạc Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15. Trình bày báo cáo tóm tắt về hoạt động của Chủ tịch NAM trong giai đoạn 2006-2009, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô nhấn mạnh, với vai trò là nước Chủ tịch NAM, Cu-ba đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các nước thuộc phong trào, cũng như tích cực cùng với các nước thành viên thảo luận giải quyết các vấn đề của khu vực, quốc tế như khủng hoảng tài chính, xung đột, vấn đề hạt nhân, biến đổi khí hậu, nhân quyền, văn hóa và tôn giáo. NAM ngày càng có tiếng nói trên diễn đàn quốc tế và được ghi nhận trong các quyết định, nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ). Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô kêu gọi tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên NAM để đối phó với những thách thức hiện tại và tương lai, cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

 

Tiếp đó, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô tuyên bố việc bầu Tổng thống Ai-cập Mô-ha-mét Hô-xni Mu-ba-rắc làm Chủ tịch Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15.

 

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15, Tổng thống Mô-ha-mét Hô-xni Mu-ba-rắc khẳng định, với vai trò là nước Chủ tịch luân phiên của NAM trong ba năm tới, Ai-cập sẽ nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của NAM, tăng cường thực hiện các mục tiêu, tuyên bố và sáng kiến của phong trào một cách rõ ràng, nỗ lực cao nhất để thúc đẩy lợi ích chung, hợp tác với tất cả các nước thành viên, hỗ trợ nâng cao vai trò và vị thế của NAM trên trường quốc tế.

 

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều cùng ngày, phát biểu trong phiên thảo luận chung của Trưởng đoàn đại biểu các nước thành viên dự NAM lần thứ 15, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh chủ đề "Đoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển" của hội nghị lần này thể hiện mong muốn hòa bình của NAM, một trong những phong trào phấn đấu vì hòa bình lớn nhất của thời đại.

 

Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi NAM cần tăng cường đoàn kết hơn nữa để cùng nhau phấn đấu cho những mục tiêu cao cả trên cơ sở kiên trì các nguyên tắc của phong trào. Đó là các nguyên tắc tôn trọng bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, tăng cường hữu nghị, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực nhằm sớm có giải pháp hòa bình cho các bất đồng quốc tế và xung đột khu vực. Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho việc góp phần ngăn ngừa xung đột, giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp; kiên trì lập trường là HĐBA LHQ cần hoạt động phù hợp với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước NAM là ủng hộ quyền con người như những giá trị phổ cập của nhân loại. Việt Nam cho rằng, không có một mô hình dân chủ duy nhất đối với mọi quốc gia, phản đối việc sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, coi đó là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân, vi phạm thô bạo quyền con người cơ bản nhất là quyền dân tộc tự quyết và cản trở hợp tác quốc tế trên cơ sở đối thoại, tôn trọng lẫn nhau.

 

Chủ tịch nước đề nghị các nước NAM tăng cường phối hợp lập trường chặt chẽ hơn nữa tại LHQ và các thể chế quốc tế khác để triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ, cải cách hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế, hỗ trợ nguồn lực và tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực ứng phó khủng hoảng, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ ở các nước đang phát triển. Việt Nam ủng hộ sự tham gia tích cực của NAM vào quá trình trao đổi, thương lượng để xây dựng các chiến lược, chương trình và cơ chế quốc tế vì sự phát triển bền vững thông qua việc đồng thời xử lý thách thức của khủng hoảng năng lượng, lương thực, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, qua hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Việt Nam đã thực hiện có kết quả chính sách đối ngoại cởi mở, từ đó mở rộng quan hệ với tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong nhiều năm, thu được nhiều tiến bộ về xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam coi trọng mối quan hệ với NAM. Trên tinh thần đoàn kết và hợp tác vì lợi ích chung, Việt Nam chú trọng mở rộng quan hệ kinh tế, triển khai các hình thức giúp đỡ lẫn nhau với các nước NAM trong các lĩnh vực, cụ thể như nông nghiệp, y tế, giáo dục và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm phát triển, trong đó có các biện pháp đối phó khủng hoảng kinh tế - tài chính, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.