40 năm những ngày ấy

09:02, 21/08/2009

Đã 40 năm sau ngày Bác ra đi, PGS.TS Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (nguyên Viện trưởng Viện công nghiệp rừng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, nguyên Trưởng ban, Bí thư Ban cán sự Đảng ngoài nước, Đại biểu Quốc hội khóa VI) xúc động kể lại những ngày 40 năm trước đây được giao xử lý bảo quản gỗ quí xây dựng Lăng Bác.

 

Ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị quyết định phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và việc xây dựng Lăng của Người phải đảm bảo chống được các biến động của khí hậu, thời tiết, phòng chống chiến tranh, thể hiện được tính dân tộc mà hiện đại, thuận tiện cho mọi người đến thăm viếng. Đây là nguyện vọng của toàn dân, toàn Đảng, toàn quân. Nhân dân các miền, vùng trong nước, kiều bào nước ngoài gửi thư về bày tỏ nguyện vọng đóng góp xây dựng Lăng Bác. Chỉ từ tháng 5 đến tháng 8/1970, Ban Tổ chức đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng Bác của Bộ Chính trị đã nhận được 200 phương án và Hội đồng sơ tuyển đã lựa 24 phương án, đem trình bày tại: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An. Có tới 745.487 lượt người tới thăm và 34.022 ý kiến tham gia đóng góp lựa chọn.

 

Tiến trình xây dựng Lăng Bác cũng là lúc Mỹ ồ ạt cho máy bay đánh phá ác liệt Miền Bắc. Mỹ đã thất bại, buộc phải ký Hiệp định Paris. Ngay ngày hôm sau, tối 29/1/1973, Ban phụ trách xây dựng Lăng đã họp truyền đạt chỉ thị của đồng chí Trường Chinh: Không được phép nghỉ ngơi, không được phép chậm trễ. Ngày 2-9-1973, đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Lăng Bác .

 

Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, các địa phương tập trung sức lực, trí tuệ hoàn thành một công trình văn hóa và lịch sử của đất nước. Trong đó nhân dân Nam Bộ, Tây Nguyên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bộ đội Trường Sơn gửi gỗ quí hiếm có hàng trăm năm tuổi về góp xây dựng Lăng Bác… Những cây gỗ này là tấm lòng, bằng xương máu vận chuyển ra Hà Nội. Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Tổng cục Lâm nghiệp xử lý gỗ: Chống mối mọt, rạn nứt, cong vênh, co ngót có độ bền vĩnh cửu cho 200 bộ cánh cửa và những bộ phận có sử dụng gỗ quí. Đồng thời sử dụng tiết kiệm, đảm bảo đưa vào sử dụng đúng thời gian qui định. Đây là vinh dự và là trách nhiệm nặng nề cho Viện Công nghiệp rừng non trẻ mới thành lập và cho cả ngành Lâm nghiệp Việt Nam .

 

Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Hoàng Bửu Đôn giao nhiệm vụ cho Viện công nghiệp rừng và truyền đạt ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc phục vụ công trình lịch sử của đất nước. Lúc ấy ông Nguyễn Hữu Quang phụ trách Viện .

 

Ông Quang kể lại: Khi đó tự hào lắm và lo lắng vô cùng với trách nhiệm nặng nề không phải của riêng ông mà cho cả ngành Lâm nghiệp. Tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Kỹ thuật Lâm nghiệp, Chuyên ngành chế biến gỗ, Trường Đại học kỹ thuật lâm nghiệp Matxocova năm 1964 với đề tài: Nghiên cứu công nghệ sản xuất ván dăm gỗ chịu ẩm, chống sự phá hoại của nấm, mối, mọt trong điều kiện nhiệt đới Việt Nam. Sau 10 năm giảng dậy trường Đại học Lâm nghiệp ông về Tổng cục Lâm nghiệp được giao trọng trách xây dựng và phát triển Viện công nghiệp rừng. Cơ sở vật chất, trang bị công cụ nghiên cứu khoa học chưa có gì. Đội ngũ cán bộ khoa học còn non trẻ nhất là đang trong tình trạng chiến tranh. Nhưng với quyết tâm, ông mạnh dạn cùng lãnh đạo, cán bộ khoa học các bộ môn củaViện xây dựng đề án từng bước triển khai việc xử lý gỗ báo cáo Tổng cục và báo cáo Ban Chỉ huy xây dựng Lăng (Công trường đặc biệt 75-808). Nhóm bảo quản chống mối, mọt do ông Nguyễn Chí Thanh phụ trách và ông Như Cương cộng sự. Nhóm chế biến gỗ do ông Nguyễn Hữu Quang phụ trách và ông Trần Thủy Ký cộng sự. Bộ môn Cơ lý do ông Nguyễn Đình Hưng phụ trách. Ông Nguyễn Hữu Quang điều hành, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Tổng cục Lâm nghiệp. Viện nhanh chóng lấy mẫu gỗ của: 190 mẫu gỗ gụ, 76 mẫu gỗ trắc, 24 mẫu gỗ son, 14 mẫu gỗ dổi, 11 mẫu gỗ muồng đen, 4 mẫu gỗ lát hoa, 3 mẫu gỗ kim giao, 2 mẫu gỗ lim xanh, 3 mẫu gỗ mun và trên 100 mẫu các loại gỗ quí khác.

 

Về cơ sở lý thuyết, Viện đã có báo cáo tổng quát: Vấn đề sấy gỗ trong công trình Lăng Bác, Xây dựng qui trình sấy gỗ. Viện đã thử nghiệm tính chất vật lý quan trọng của 3 loại gỗ trắc, nu, gụ; thử nghiệm tính chất vật lý của một số loại gỗ tự nhiên từ miền Nam gửi ra… Tất cả những nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng vào xử lý, bảo quản và chế biến gỗ cùng nhiều giải pháp sử dụng gỗ, bảo quản, chống mối mọt để xây dựng Lăng Bác trường tồn, vĩnh cửu. Đó là công việc thầm lặng không mấy ai biết đến của các cán bộ khoa học lâm nghiệp Việt Nam.

 

Sau những đóng góp cho công trình lịch sử xây dựng Lăng Bác, những cán bộ khoa học của Viện đã trưởng thành trở thành cán bộ đầu ngành có đóng góp đáng ghi nhận của ngành Lâm nghiệp như ông Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Đình Hưng, ông Như Cương, ông Trần Thủy Ký… Phí Văn Kỷ