Những ngày tháng Tám này, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ ở tổ 10, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên để gặp cụ Hoàng Thị Cúc, cán bộ tiền khởi nghĩa. Năm nay, cụ Cúc 82 tuổi, mái tóc đã trắng màu sương, nhưng đôi mắt còn tinh anh trên khuôn mặt hồn hậu.
Như bao ngôi nhà bên phố, cũng nhà xây mái bằng, nhưng nhà cụ Cúc là địa chỉ để các bậc cao niên đến đàm đạo việc đời, việc nhà và nghe cụ đọc báo. Cụ bảo: Thời gian này cụ bận nhiều, vì cụ đang chắp bút, ghi lại dòng “hồi ký” về cuộc đời mình, về một giai đoạn lịch sử cách mạng mà cụ được chứng kiến.
Cụ cho tôi xem cuốn sổ ghi chép lại những riêng tư đời mình, trong đó tôi đọc được cuộc đời cụ đầy những gập ghềnh, bươn trải... Sinh ra trong một gia đình có nền nếp, cha là ông giáo trường làng, mẹ mù chữ. Cụ bảo: Thời mất nước “nó” thế, cụ là con gái thày giáo nhưng cũng không được đến trường.
Cuộc sống của gia đình cụ cũng nổi trôi theo nghiệp dạy học của cha. Từ vùng đất làng Nội An, Thanh Trì (Hà Nội), gia đình gồm 10 nhân khẩu (2 cụ thân sinh cụ Cúc và 8 anh chị em cụ Cúc) phiêu bạt lên vùng đất Toàn Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Là người tinh ý, hằng ngày được theo cha đến trường, cô bé Cúc thuở bấy giờ đã tự học và biết đọc bập bõm chữ quốc ngữ. Nhờ vậy, vào một ngày tháng 3/1945, người anh trai của cụ là ông Hoàng Phúc, làm công nhân hãng Sích Tai (Pháp) từ Hà Nội về, ông mang theo tờ báo Cờ Giải Phóng và đọc cho mọi người trong làng cùng nghe. Cúc cũng mượn lại tờ báo đó, đem đọc cho chị em trong làng cùng nghe. Thấy Cúc dạn dĩ, năng nổ nên cán bộ Việt Minh giao luôn cho chị phụ trách tổ tự vệ làng. Tổ gồm 3 chị em, ngày đi làm ruộng, tối đến điếm làng canh gác, thấy giặc, cướp thì tri hô, gõ trống báo động cho bà con dân làng biết.
Năm đó, cụ Cúc mới 20 tuổi, gan lì “cóc tía”, nhiệm vụ gì cách mạng giao Cúc cũng làm tròn, nên tổ chức Việt Minh giao cho chị làm nhiệm vụ xây dựng phong trào Phụ nữ Cứu Quốc ở địa phương, như vận động chị em giúp đỡ cán bộ cách mạng, bảo vệ phong trào cách mạng, vận động chồng con tích cực tham gia kháng chiến... Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, Cúc được tổ chức điều lên huyện làm cán bộ phụ nữ huyện Lạng Giang. Cụ Cúc kể, Ngày đó làm công tác tuyên truyền, nhưng bản thân cụ cũng đã hiểu biết gì nhiều về Đảng và phong trào Quốc tế Cộng sản đâu, mà chủ yếu nói để chị em hiểu về sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, về nỗi thống khổ của người dân mất nước... nên khi cụ được Chi bộ Đảng tổ chức lễ kết nạp, khi vào hội trường, cụ trông thấy trên tấm phông có tấm ảnh của 2 người châu Âu, cụ sợ quá, ù chạy khỏi hội trường khiến mọi người ngơ ngác. Sau đó cụ được các cán bộ Vân, Hùng, Mẫn, Vạn (không nhớ họ) cho biết: Đó là ông Các Mác, ông Lê Nin, sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê Nin mà Đảng ta lấy làm kim chỉ nam cho mọi hành động... Sau ngày đó 1 năm (8/3/1947) cụ chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nửa năm sau, cụ được điều động lên tỉnh làm cán bộ phụ nữ, rồi tiếp tục được tổ chức điều động lên làm cán bộ phụ nữ Khu.
Cụ bảo: Làm cách mạng thì việc gì nay ngẫm lại cũng thấy hay, nhưng nhớ nhất chuyến công tác do Khu phân về huyện Lạng Giang xây dựng phong trào, chuẩn bị mở rộng chiến trường vùng Trung du. Lúc đó, đồn bốt có lính khố xanh, khố đỏ dày đặc, bọn Việt gian phản động nhiều như trấu, cụ phải cải trang làm một người khác. Bí mật là thế mà còn suýt bị bắt. Thoát hiểm, cụ tìm gặp lại các đầu mối cơ sở để nắm tình hình, rồi lập phương án phá Tề.
Trận đó, cụ cùng Ban chỉ huy ở trong cái miếu hoang để chỉ huy. Khi phát lệnh, các cơ sở của ta nhất loạt bắt hết bọn Việt gian phản động đưa lên Khu. Cũng khi đó, bọn lính khố xanh, khố đỏ từ các đồn Thái Đào và đồn Cẩm Lý tung quân về cứu đồng bọn, nhưng chúng đi đến đâu cũng bị phụ nữ và trẻ em hò hét cản đường, khiến quân địch hoảng sợ phải rút lui về đồn.
Phá Tề ở Lạng Giang thành công, cụ lại được cấp trên điều động về Vĩnh Phúc, tham gia phụ trách hơn 2.500 dân công mở đường tiến lên Điện Biên Phủ. Cho đến bây giờ, cụ vẫn nhớ những bến đò Then, đèo Lũng Lô và những câu chuyện về Mường Thanh, Hồng Cúm...
Tất cả đã đi vào kỷ niệm riêng của một con người, một cuộc đời luôn gắn với những chuyến đi, khi bí mật, lúc công khai nhưng luôn gắn bó với phong trào phụ nữ. Sau hơn 24 năm tham gia cách mạng (1945 - 1969), từ một cán bộ phong trào Phụ nữ Cứu quốc ở làng, cho tới khi làm việc ở Tổng Công đoàn Việt