Người chiến sĩ cách mạng năm ấy

10:41, 18/08/2009

Đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Văn Dung, xóm La Hóa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) vẫn còn rất minh mẫn và nhớ như in những năm tháng của một thời trai trẻ tham gia kháng chiến, góp sức mình cho cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

 

Gặp ông trong ngôi nhà sàn sạch sẽ, thoáng mát, ông thong thả nói chuyện và kể cho chúng tôi nghe thời gian ông tham gia quân đội (khi ấy gia đình ông còn ở Lạng Sơn và đến năm 1955 chuyển về Võ Nhai - Thái Nguyên). Tháng 6/1945, gia nhập đội quân giải phóng của Lạng Sơn, lúc đó ông Dung tròn 21 tuổi. Trước khi gia nhập quân đội, ông đã tham gia đội quân du kích, tự vệ địa phương của xã Hoa Thám, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã nhiều lần ông cùng đội quân du kích thu được vũ khí của địch đem nộp cho quân đội và tham gia tuyên truyền, vận động bà con nhân dân giác ngộ cách mạng đi theo Việt Minh.

 

Ông kể: Trung đội của tôi là một trong ba trung đội giải phóng quân được phân công tiến về Lạng Sơn tham gia cướp chính quyền. Trên đường đi, chúng tôi thấy nhân dân cắm cờ đỏ sao vàng trên khắp các trục đường của Thị xã Lạng Sơn, tôi cảm nhận được một không khí chiến thắng đang tràn về. Tôi được giao một khẩu súng khai hậu (loại súng chỉ bắn từng viên một) với 7 viên đạn nhưng mới chỉ bắn được 2 viên thì nhận được lệnh của cấp trên phải giao nộp vũ khí và rút quân…

 

Khi chúng tôi hỏi, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất trong thời gian tham gia kháng chiến, ông Dung nói: Đi bộ đội được mấy năm thì tôi được về phép để cưới vợ (năm 1949) nhưng vì nhiệm vụ nên tôi đã phải đi biệt 9 năm mới về. Trong thời gian đó, tôi chỉ liên lạc với gia đình bằng những lá thư nhưng cũng thưa lắm. Qua thư, biết được gia đình vẫn bình an nên tôi yên tâm công tác. Thấy tôi đi lâu quá không về, bố tôi đã đưa vợ tôi từ Võ Nhai về Hà Nội để thăm tôi. Được gặp bố, gặp vợ sau bao năm xa cách, một niềm xúc động trào dâng trong tôi. Sau lần gặp ấy, càng thôi thúc tôi tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để sớm được về đoàn tụ với gia đình

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tiếp tục công tác trong quân đội ở tỉnh Lạng Sơn. Năm 1955, ông Dung chuyển về làm nhân viên bảo mật tại Cục Quân nhu (Hà Nội) và tháng 8/1958, ông phục viên trở về địa phương. Ngay sau đó, ông tham gia Ban thuế của xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, rồi ông được bầu làm Phó Chủ tịch, sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến của xã. Đến năm 1965, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã và về nghỉ hưu năm 1984. Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia sinh hoạt các tổ chức đoàn thể như: Hội CCB xã, Hội Người Cao tuổi, Câu lạc bộ hưu trí. Đã ở tuổi 85, đi lại chỉ bằng chiếc xe đạp cọc cạch nhưng không một buổi họp nào ông Dung vắng mặt, nhất là những buổi Câu lạc bộ hưu trí tổ chức mời cán bộ huyện, tỉnh nói chuyện thời sự.

 

Nhận xét về ông Dung, đồng chí Nguyễn Đình Xuyên, Trưởng xóm La Hóa nói: Đã nhiều năm nay, gia đình ông Dung luôn đạt gia đình văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. Bản thân ông và gia đình các con cháu của ông rất gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy định, chính sách ở địa phương, tham gia tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

 

Với những đóng góp của mình, ông Dung đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý:  Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; Huy hiệu Bác Hồ; Kỷ niệm Kháng chiến và đầu năm 2009, ông Dung được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…