Tháng Tám hào hùng

07:41, 19/08/2009

Cách mạng Tháng Tám thành công. Lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời.

 

Tháng 8/1945, cuộc chiến tranh thế giới đi vào giai đoạn kết thúc. Sau khi tiêu diệt phát xít Đức tại sào huyệt của chúng, Liên Xô quay sang tấn công phát xít phương Đông là Nhật Bản. Phong trào đấu tranh chống Nhật bùng lên mạnh mẽ ở các nước phía Đông và Đông Nam châu Á. Thời cơ cách mạng đang mở ra trước con đường giải phóng của các dân tộc, Đảng ta đứng trước một cơ hội lịch sử ngàn năm có một, giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước.

 

Cả nước những ngày này như trong ngày hội lớn, hừng hực khí thế cách mạng tiến công. Nhiều địa phương tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của TƯ, nhưng thấm nhuần các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là tinh thần, nội dung Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành dộng của chúng ta".

 

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong 2 ngày 14 – 15/8/1945 đã giải quyết vấn đề trọng đại: quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đại biểu các đảng bộ từ Bắc, Trung, Nam, từ các chiến khu và khu giải phóng về dự đông đủ. Hội nghị họp vào lúc phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh liền thành lập "Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc" để lãnh đạo khởi nghĩa trong cả nước. Trong tình hình hết sức khẩn trương, Đảng quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân đồng minh Anh, Pháp vào nước ta.

 

Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy tranh đấu giành quyền Độc lập - Tự do.

 

23 giờ đêm 13/8, Ủy ban khởi nghĩa ra "Quân lệnh số I" hạ lệnh tổng khởi nghĩa:

 

... "Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!

 

Quyết chiến! Quyết chiến! Quyết chiến!

 

Thắng lợi nhất định về ta"

 

Nắm được thời cơ thuận lợi, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi, Hà Tĩnh đã nổi dậy giành chính quyền từ ngày 14/8. Ngày 18/8, chính quyền các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Nam đã về tay nhân dân.

 

Ngày 15/8, xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ thị cho Hà Nội khởi nghĩa. Hà Nội sống trong những ngày rạo rực chuẩn bị nổi dậy, các tầng lớp nhân dân nhất là thanh niên, hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, tuyên truyền cho Việt Minh, thành lập các đội tự vệ chiến đấu.

 

Chiều 17/8, cuộc biểu tình của Tổng hội công chức đã biến thành cuộc mít tinh lớn của Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên tầng hai Nhà hát Thành phố, đại biểu Việt Minh kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền, lật đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Như một tia lửa nhen lên từ cánh đồng cỏ khô, ngọn lửa cách mạng bùng cháy, cả Hà Nội bừng bừng khí thế đấu tranh theo lời kêu gọi của Đảng.

 

Cuộc biểu tình chiều 17/8 làm cho kẻ thù càng thêm hoảng hốt. Trái lại, quần chúng cách mạng phấn chấn, ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa. Sáng ngày 18/8, Ủy ban khởi nghĩa của thành uỷ đã chuyển từ ngoại thành vào nhà số 101 Trần Hưng Đạo để trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh.

 

Từ sáng ngày 19/8, hàng chục vạn nhân dân thành phố rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát lớn. Đúng 11 giờ trưa, cuộc mít tinh bắt đầu. Lời kêu gọi khởi nghĩa của Đảng được quần chúng đón mừng bằng những tiếng reo hò và những khẩu hiệu hô vang khắp quảng trường:

 

- Thành lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam

 

- Việt Nam hoàn toàn độc lập

 

- Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

 

Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Đó cũng là ngày trở thành mốc son lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

 

Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng tiếp tục toả đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. Cùng ngày ở các tỉnh lỵ Yên Bái, Phúc Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa đã liên tiếp đứng lên khởi nghĩa thành công. Kế tiếp sau đó từ ngày 20/8 đến 28/8 khắp các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã liên tiếp nổi dậy giành chính quyền và kết thúc cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Trong đó thành phố Huế đã khởi nghĩa ngày 23/8, thành phố Sài Gòn khởi nghĩa ngày 25/8 và đã giành toàn bộ chính quyền 1ập nên Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Ngày 30/8, Hoàng đế Bảo Đại - đời vua cuối cùng nhà Nguyễn đã tuyên bố thoái vị trao lại ấn kiếm cho cách mạng, kết thúc 143 năm trị vì của triều đại phong kiến này.

 

Tầm vóc lớn lao của Cách mạng tháng 8 năm 1945 - cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của toàn dân ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do và Chủ nghĩa Xã hội.

 

Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỉ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế gần một nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Đảng Cộng Sản Việt Nam từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền và hoạt động công khai.