Tự hào và khát vọng

09:24, 31/08/2009

Ngày 2/9/1945 trở thành ngày ghi dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ngày Việt Nam tuyên bố với toàn thế giới trở thành một đất nước độc lập, tự do, sau mấy mươi năm dài bị đô hộ.

 

Nhưng có độc lập rồi, dân tộc vẫn phải chờ đợi thêm 30 năm nữa mới có thống nhất. Và tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, gian khổ mới có đất nước hôm nay… Từ đó, ngày 2-9 hằng năm trở thành ngày Tết Độc lập với tất cả các gia đình, người dân của cả 54 dân tộc, con Lạc, cháu Hồng của đất nước Việt Nam; biểu tượng cho niềm tự hào và khát vọng vươn tới của cả dân tộc yêu chuộng hòa bình, tiến bộ và phát triển.

 

 1. Tự sự của những người trẻ tuổi:

 

"Chào mừng Ngày Quốc khánh, ngày đánh dấu nền độc lập của dân tộc Việt Nam, một ngày trọng đại và thiêng liêng, hãy thay biểu tượng blog bằng cờ Tổ quốc và "treo cờ" trong 7 ngày".

 

"Chúng ta hãy cùng nhau treo cờ Tổ quốc trên blog, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, để chứng tỏ rằng lớp trẻ luôn tự hào về đất nước. Là người Việt Nam chúng ta hãy tự hào về ngày 2-9"...

 

 Treo quốc kỳ, nơi cao nhất, trang trọng nhất mỗi ngôi nhà là cử chỉ thiêng liêng của mỗi người Việt dịp lễ, tết và những ngày trọng đại, trong đó có một ngày đặc biệt: Tết Độc lập. Nhưng còn có một lễ thượng cờ khác, lễ thượng cờ của giới trẻ, những công dân mạng: Từ ngày 26-8, những người Việt trẻ đã kêu gọi và cùng nhau hưởng ứng chiến dịch thay thế biểu tượng trên các blog bằng quốc kỳ. Một màu đỏ rực rỡ tràn ngập trên các blog và dịch vụ nhắn tin.

 

 Sắp đến Ngày Quốc khánh, từ các đường phố đến các ngõ xóm, từ đời sống thực đến thế giới mạng, từ thực tế đến đời sống tinh thần đều đỏ rực màu quốc kỳ. Đó là niềm vui chung của dân tộc, là niềm tự hào của tất cả mọi người, là ngọn lửa thắp lên trong những người Việt trẻ tuổi nồng nàn yêu nước.

 

2. Cuộc kiến tạo và mở cõi của người Việt là hành trình không mệt mỏi. Việt Nam ngày nay một dải hình chữ S, diện tích khoảng 331.690km2, 3.260km bờ biển... Ông cha đã giữ đất, gìn giữ độc lập, tự do bằng vất vả và gian lao, bằng xương máu và nước mắt, bằng công sức và trí tuệ, bằng khát vọng vươn tới... Ngày 2-9 như một dấu son trong lịch sử đất nước. Ngày Việt Nam tuyên bố, khẳng định với toàn thế giới là một đất nước độc lập, tự do, sau mấy mươi năm dài bị đô hộ. Nhưng có độc lập rồi, dân tộc vẫn phải chờ đợi thêm 30 năm mới có thống nhất. Và tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn mới có hôm nay.

 

Năm 1986, sau một thời kỳ chật vật trong nền kinh tế hậu chiến, Việt Nam tiến hành sự nghiệp đổi mới, năm 1988 bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 20 năm (1988-2008) thu hút FDI, Việt Nam đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Qua thời kỳ "bùng nổ" FDI 1991-1996, "làn sóng FDI" đầu tiên, chững lại một chút qua biến cố tài chính châu Á năm 1997, Việt Nam lại đón nhận "làn sóng FDI" thứ hai, nhất là từ năm 2006 đến nay. Năm 2007, dòng vốn FDI lên tới 20,3 tỷ USD. Các dự án FDI đi vào hoạt động đã tạo ra tổng giá trị doanh thu, giá trị xuất khẩu đáng kể, đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Hiện khu vực có vốn FDI đã đóng góp trên 17% GDP, chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là khu vực phát triển năng động, cùng với các thành phần kinh tế khác, để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế.

 

Một trong những yếu tố cơ bản làm nên sức hút FDI trong 20 năm qua là chủ trương nhất quán của Chính phủ trong việc coi FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987 và Luật Đầu tư chung hợp nhất Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 2005 đã tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử.

 

Bộ mặt đất nước thay đổi từng ngày, từng giờ. Nếu như năm 1990, cả nước có tới hơn 60% hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế, năm 1998 tỷ lệ nghèo chung vẫn ở mức 37% thì năm 2000 số này đã giảm xuống còn 32%, năm 2002 còn 28,9% và năm 2004 còn 24,1%... Hiện tại, cả nước, khoảng 86 triệu dân, chỉ còn 13,5% hộ nghèo. Đó là một thành tựu lớn. Thế giới phải nể phục. Các nước có trình độ phát triển tương đồng xem đó là một bài học đáng giá.

 

Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Với quyết tâm cao, Việt Nam đang chứng tỏ là đối tác tin cậy của các nước và các nền kinh tế của cộng đồng quốc tế. Việt Nam không còn bị hạn chế, trói buộc ở hầu hết thị trường. Cũng như vậy, Việt Nam không còn là thị trường bó hẹp hoặc hạn chế với các quốc gia khác.

 

3. Người Việt, một dân tộc kiêu dũng. Mạnh mẽ và quật khởi. Năm 2008 là một năm đầy thử thách. Trong khi nhiều chuyên gia, tổ chức tài chính thế giới đưa ra những dự báo ảm đạm và khuyến nghị Việt Nam phá giá đồng tiền thì Chính phủ đã quyết định lựa chọn một hướng đi riêng. Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế giữa lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 

Năm 2008, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,23%. Tình hình kinh tế - xã hội vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án FDI cả năm lên 64 tỷ USD, tăng 229,8% so với năm trước. GDP bình quân đầu người ước khoảng 1.027-1.030 USD. Năm 2009, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong xu thế chung toàn cầu. Đạt được nhiệm vụ trọng tâm "ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng 6,5%, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội" thực sự là một nhiệm vụ nặng nề. Trước khi sang thăm Việt Nam hồi cuối tháng 5-2009, đã nghiên cứu rất kỹ tình hình Việt Nam, GS Paul Krugman, người đoạt Giải Nobel kinh tế năm 2008, nhận định, dù gặp phải nhiều nảy sinh do khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam nhất định vượt qua. Đến thời điểm này, Việt Nam đã từng bước khắc phục tốt các khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Và trong khó khăn chung của thế giới, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn. Bảy tháng đầu năm, Việt Nam thu hút thêm 10,1 tỷ USD dòng vốn FDI, trong đó 4,65 tỷ USD đã được giải ngân.

 

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng, để tin vào một triển vọng lạc quan.

 

Cuộc kiến tạo và phát triển đất nước của người Việt, hữu hình và vô hình, vẫn mạnh mẽ tiến về phía trước. Trong một thế giới đang phẳng dần, người Việt đang hiên ngang vươn ra thế giới.

 

Tự sự của những người trẻ tuổi cũng là tâm tư, là tình cảm của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước trong những ngày này. Từ ngày Độc lập đầu tiên đến hôm nay là cả một chặng đường dài. Việt Nam từ vùng trũng đang đi lên. Việt Nam, từ ao hồ đang tiến ra biển lớn. Như hành trình ngày xưa ông cha nối dài một dải từ Hà Giang tới mũi Cà Mau. Nhưng để giàu mạnh, để "sánh vai với các cường quốc năm châu" như mong ước của Bác Hồ kính yêu, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, chúng ta vẫn phải nỗ lực gấp bội. Để người Việt Nam có quyền tự hào. Để lớp trẻ có quyền tự hào.

 

Để tất cả chúng ta tự hào. Để màu đỏ quốc kỳ thêm tươi thắm.