Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của Đảng và dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới - đã từ biệt chúng ta tròn 40 năm. Trước khi Người đi xa đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử vô giá. 40 năm qua, Đảng bộ nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.
Nhân kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PV Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về giá trị của bản Di chúc, cũng như việc thực hiện Di chúc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong 40 năm qua.
PV: Xin đồng chí cho biết giá trị của bản Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta?
T.S Nguyễn Văn Vượng: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp. Trong bản Di chúc đề cập những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt
Bản Di chúc của Người thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng và có ý nghĩa thời đại sâu sắc, là kim chỉ nam soi sáng con đường cách mạng Việt
PV: Trong lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Nguyên- ngày 1/1/1964 - Người đã căn dặn: "Nhất định phải xây dựng Thái Nguyên thành một tỉnh giàu có và phồn vinh". Xin đồng chí cho bạn đọc Báo Thái Nguyên biết Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện lời dạy và Di chúc của Người như thế nào?
T.S Nguyễn Văn Vượng: Cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên hết sức tự hào đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác khi Người về thăm Thái Nguyên lần cuối cùng ngày 1/1/1964, cũng như mong muốn của Người trong bản Di chúc thiêng liêng. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống quê hương cách mạnh "Thủ đô kháng chiến", không ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi thử thách, gian nan, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hậu phương với tiền tuyến "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Thái Nguyên vừa sản xuất vừa chiến đấu, đã bắn rơi 61 máy bay của giặc Mỹ, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế. Các cơ sở công nghiệp của TW và địa phương đều được nhanh chóng khôi phục. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp được mở rộng. Nông nghiệp được phục hồi. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đúng mức. Sau 40 năm thực hiện Di chúc của Người và hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt từ năm 1997 khi tỉnh Thái Nguyên tái lập, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và có những bước tiến quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhất là năm 2008 và 8 tháng đầu năm 2009, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã ý thức sâu sắc rằng phải đẩy lùi khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển. Tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá giúp cho Đảng bộ tìm ra những giải pháp quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, sự phấn đấu, nỗ lực của toàn dân, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt 11,47%, thu ngân sách trên 1.200 tỷ đồng (về trước kế hoạch của Đảng bộ tỉnh đề ra 2 năm); thu nhập bình quân đầu người đạt 11,5 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2009 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,52%. Mặc dù phải điều chỉnh nhưng tốc độ tăng trưởng của tỉnh vẫn cao hơn so với các tỉnh trong khu vực. Đảng bộ tỉnh cũng đã tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và từng đảng viên; nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp. Tính đến nay, toàn Đảng bộ có 741 tổ chức cơ sở Đảng với trên 65 nghìn đảng viên. Hằng năm toàn Đảng bộ kết nạp được 3.000 đảng viên mới; trên 80% số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh; trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kinh tế tăng trưởng, bộ mặt từ thành thị tới nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Sau 40 năm thực hiện Di chúc và lời dạy của Bác khi Người về thăm Thái Nguyên, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn để ổn định, có bước phát triển vững chắc. Từ một tỉnh miền núi, với nền sản xuất tự cấp tự túc, trình độ canh tác lạc hậu, công nghiệp chậm phát triển, đến nay Thái Nguyên đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của khu vực trung du miền núi phía Bắc.
PV: Để tiếp tục xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có và phồn vinh theo lời Bác dạy, xin đồng chí cho biết những định hướng lớn của tỉnh trong thời gian tới?
T.S Nguyễn Văn Vượng: Ngày 01/7/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và các tỉnh Bắc Bộ đến năm 2010”. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 37, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu phấn đấu tổng quát nhằm “Phát huy cao độ mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo sự phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2010 đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề để Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020”. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi các nghị quyết, từ nay đến hết nhiệm kỳ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, toàn thể nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Gắn việc triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nội dung trọng tâm là thực hiện tư tưởng của Người về “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Hơn lúc nào hết, mỗi đảng viên, công chức, viên chức đều phải xây dựng kế hoạch cá nhân làm theo tấm gương đạo đức của Bác với nội dung cụ thể, thiết thực. Thực hiện lời dạy của Người, cùng với cả nước, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm đoàn kết, phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển và giàu mạnh…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ!