Nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên

16:26, 17/09/2009

Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng trong công tác Xây dựng Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ đó lại càng quan trọng hơn khi chúng ta đang trên đà hội nhập và phát triển, đất nước đang tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại chưa có tiền lệ trong lịch sử. Nhiều vấn đề mới nẩy sinh cần phải có sự thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội. Trong bối cảnh như vậy, việc nâng cao trình độ lý luận, rèn luyện bản lĩnh chính trị và năng lực thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ hết sức nặng nề. 

 

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ LLCT cho cán bộ, đảng viên, trên cơ sở Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị khoá VIII về chế độ học tập lý luận trong Đảng (Quy định 54-QĐ/TW), Ban Thường vụ đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kịp thời trong toàn Đảng bộ. Nội dung Quy định 54-QĐ/TW được cụ thể hoá thông qua các văn bản của Tỉnh uỷ về quản lý cán bộ như: Quy định về phân cấp quản lý tổ chức, quản lý cán bộ; quy định về quy trình, thủ tục bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ; quy định về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá cán bộ; các kết luận về công tác cán bộ trong từng thời điểm cụ thể; hướng dẫn về thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…Văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các chương trình học tập, bồi dưỡng đối với từng đối tượng được ban hành kịp thời. Cấp uỷ các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên được đăng ký, tham gia học tập LLCT. Đến nay, việc thực hiện chế độ học tập lý luận trong Đảng đã đi vào nền nếp, trở thành phong trào thi đua học tập, rèn luyện và đạt được những kết quả đáng kể, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

 

Kể từ khi có Quy định 54-QĐ/TW, hơn 10 năm qua, Thái Nguyên đã cử được 220 cán bộ đi học cử nhân chính trị, cử nhân hành chính và cao cấp LLCT tại các học viện; phối hợp với các học viện mở được 02 lớp cử nhân chính trị, 03 lớp cao cấp LLCT tại chức trên địa bàn tỉnh với 565 học viên. Trường Chính trị và hệ thống Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã được củng cố cả về cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện hoạt động và đội ngũ cán bộ, giảng viên; hình thức đào tạo được mở rộng, chất lượng đào tạo được nâng lên; số lượng đào tạo, bồi dưỡng đạt trên 217 nghìn lượt học viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã có nhiều đổi mới về phương pháp, chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của các địa phương trong tình hình hiện nay. Việc sơ kết, tổng kết, dự giờ, rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục LLCT được duy trì thường xuyên. Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị của hệ thống đào tạo, bồi dưỡng LLCT được quan tâm đầu tư. Các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức và học viên được nâng lên; lực lượng làm công tác giáo dục LLCT phát triển cả về số lượng và chất lượng.

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT trong Đảng bộ luôn gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ. Số cán bộ được cử đi đào tạo trong 10 năm qua chiếm 90% tổng số cán bộ đã đưa vào quy hoạch. Đến nay, về cơ bản, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở đều được chuẩn hoá theo quy định; hầu hết cán bộ trong diện quy hoạch của cấp uỷ các cấp đều có kế hoạch cho đi đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ được giới thiệu ứng cử, đề bạt, bổ nhiệm đều đạt chuẩn theo quy định. Có thể khẳng định, sau hơn 10 năm thực hiện Quy định 54-QĐ/TW, bản lĩnh chính trị và năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã được nâng lên rõ rệt, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Tuy nhiên, việc quán triệt và triển khai thực hiện Quy định 54-QĐ/TW trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng bộ. Có nơi cấp uỷ chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên; chưa tạo ra những hình thức khuyến khích, động viên trong việc tự học tập, rèn luyện; chưa nhấn mạnh vai trò của việc học tập LLCT là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên và tổ chức Đảng. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục LLCT chưa đáp ứng nhu cầu.

 

Để có được đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực và trình độ, phù hợp với yêu cầu chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa Quy định 54-QĐ/TW về chế độ học tập lý luận trong Đảng. Cấp uỷ các cấp cần làm tốt công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên; chú trọng củng cố cả về cơ sở vật chất cũng như tổ chức và hoạt động của Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện để thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao ý thức tự học, tự rèn để trở thành những cán bộ vừa hồng vừa chuyên theo đúng lời Bác Hồ đã dạy.