Tinh thần không phân biệt của ngày Vu lan cần được nhân rộng. Khi kết nối được yêu thương, mọi ranh giới sắc tộc, tôn giáo, quá khứ sẽ bị xóa nhòa và tạo nên sự hòa hợp dân tộc.
Đại đức Thích Giác Hiệp (phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm - TP.HCM):
Tinh thần hòa hợp
Ngày Vu lan có nhiều ý nghĩa và có nguồn gốc từ thời Đức Phật còn tại thế. Ý nghĩa quan trọng nhất là tinh thần hiếu đạo, hiếu kính của Phật giáo, nói lên tinh thần nhớ ơn cũng như báo ơn trong Phật giáo. Thông qua những hành động thiết thực, làm thế nào để người sinh thành dưỡng dục của mình có được sự hạnh phúc, an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai.
Tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo cũng được thể hiện qua ngày Vu lan. Thông qua những hoạt động thiết thực, hướng đến quần chúng, không phân biệt phật tử hay không là phật tử, không phân biệt tôn giáo…
Thông điệp trong ngày này là nhớ ơn và báo ơn cũng như lòng từ bi của Phật giáo. Và nó thể hiện tinh thần hòa hợp, tinh thần không phân biệt. Chúng tôi cũng mong rằng mọi người nói chung và phật tử nói riêng nêu cao tinh thần này, nhớ ơn những người đã sinh thành dưỡng dục và biết nghĩ tới người khác có hoàn cảnh khó khăn tùy theo vật lực mà mình có.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (Giám đốc Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt):
Lòng hiếu thảo tạo dân tộc hùng mạnh
Vu lan không còn là ngày của riêng Phật giáo nữa mà đã thành của cả dân tộc.
Khi được sinh ra, ai cũng phải mang trong mình mấy điều tâm nguyện, đó là tận trung với Tổ quốc, tận hiếu với gia đình, tận tâm với công việc và tận lực với cuộc sống. Vì mình có tận hiếu với gia đình, mình có yêu cha mẹ mình thì mình mới yêu người được và mình có yêu người thì mình mới yêu đời và yêu nghề của mình được.
Và Vu lan cần được khởi xướng thành sự kiện văn hóa của người Việt, không chỉ đối với người Việt trong nước mà cả ở nước ngoài. Ngày Vu lan cũng cần được nhân lên, không chỉ là có một ngày mà làm sao phải có nhiều ngày như vậy, nếu làm được chuyện này thì đất nước sẽ hưng thịnh, phồn vinh.
Đặc biệt, khi mỗi con người đều biết hiếu thảo thì sẽ có một dân tộc hùng mạnh. Một chuyện nhỏ từ chuyện báo hiếu cha mẹ trong gia đình được nhân ra xã hội sẽ có nền tảng phát triển vững chắc.
Ông Phan Ngọc Thiện, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế):
Kết nối yêu thương, xóa nhòa ranh giới
Thực hiện chữ “hiếu” trong tinh thần Vu lan là làm phát khởi năng lượng của tình thương, sự cầu nguyện cho người quá cố trong ngày này là kết nối yêu thương giữa người còn với người mất, nhiều thế hệ khác nhau, từ quá khứ tới hiện tại.
Và khi kết nối được yêu thương thì mọi biên giới, ranh giới sẽ bị xóa nhòa và tạo nên sự hòa hợp dân tộc.
Chúng ta thường sống với cái bản ngã ích kỉ hẹp hòi. Chính bản ngã này tạo nên ranh giới màu da, sắc tộc, tôn giáo... Nhưng khi tình thương được kết nối thì ranh giới này sẽ không còn. Điều đó ta có thể thấy được khi một trận động đất, sóng thần làm cho đồng loại lâm vào cảnh tang thương, thì khi đó, con người ở khắp năm châu cùng hướng về người bị nạn với những đợt cứu trợ vô điều kiện. Khi đó con người chỉ có tình thương và chính tình thương đã kết nối mọi người lại với nhau.
Ngày Vu lan là cơ hội để mọi người ngồi lại, bỏ qua tất cả mọi hiềm khích, kết nối yêu thương. Hẳn nhiên, không phải đợi tới ngày này, chúng ta mới kết nối yêu thương, nhưng Vu lan nhắc nhở cho tất cả mọi người là tình thương phải đi đôi với trí tuệ, với hiểu biết, với chia sẻ và cảm thông.
Thường ngày, chúng ta mải lo làm việc, nên thường sao lãng. Mùa Vu lan là dịp chúng ta chắt chiu từng chút yêu thương và cũng là mùa cần được nảy nở trong lòng mọi người. Có như vậy sẽ xóa được hận thù, xóa nhòa mọi ranh giới về tôn giáo, sắc tộc, màu da…