Phú Đô Làm gì để tách chi bộ ghép?

09:36, 09/09/2009

Đến thời điểm này, Đảng bộ xã Phú Đô (Phú Lương) vẫn còn 9 chi bộ sinh hoạt ghép. Đây là xã có nhiều nhiều chi bộ sinh hoạt ghép nhất so với các đảng bộ xã của huyện.

 

 Được biết, năm 1998, toàn xã có 42 đảng viên, đến nay tăng lên151 đảng viên. Như vậy, trung bình 10 năm qua mỗi năm xã phát triển được 10 đảng viên. So sánh với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khoá VIII đề ra là mỗi năm phát triển từ 15 đảng viên trở lên thì hàng năm tỷ lệ phát triển đảng viên đều không đạt.

 

Theo đồng chí Phạm Ngọc Tân, Bí thư Đảng uỷ xã thì có 2 nguyên nhân chính dẫn tới việc khó phát triển được đảng viên để các chi bộ đủ điều kiện tách chi bộ là: “Đặc thù xã Phú Đô có trên 50% số hộ dân là đồng bào dân tộc Sán Chí. Đời sống của nhân dân cũng như trình độ dân trí hạn chế. Hầu hết số người trung tuổi, kinh tế vững vàng, có điều kiện tham gia các hoạt động đoàn thể, có thể xem xét bồi dưỡng phát triển Đảng đều đã sinh con thứ 3 hoặc trình độ văn hóa thấp (chỉ học hết tiểu học). Một số ít các cháu học hết THPT thì đi học chuyên nghiệp, số còn lại chủ yếu học hết THCS hoặc bỏ học giữa chừng đi làm ăn xa. Do vậy rất khó khăn trong công tác phát triển đảng viên.

 

Trước tình hình trên, Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo các tổ chức đoàn thể tạo nguồn phát triển Đảng. Thế nhưng, nghị quyết cũng không đi vào cuộc sống do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết là do đặc điểm, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp nên nhiều bà con nhận thức về sự phấn đấu, hy sinh vì việc chung còn rất hạn chế. Vì thế, có những người mặc dù nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng xóm, nhưng làm một thời gian thì xin thôi. Hoặc có trường hợp được bầu làm chi hội trưởng phụ nữ nhưng chồng không cho đi làm đành phải bỏ... 

 

Về nguyên nhân chủ quan là do công tác tuyên truyền, vận động của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với nhân dân còn hạn chế. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể chưa đều tay. Vì thế, bản thân các đoàn viên, hội viên chưa nhận thức được cần phải phấn đấu và nỗ lực vì công việc chung và được đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vinh dự lớn. Phong trào học tập ở địa phương cũng chưa phát triển. Theo thầy giáo Chu Quyết Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô: “Mặc dù được điều vào xã làm cán bộ quản lý ở Trường chưa lâu nhưng thực sự tôi thấy rất buồn vì ở xã Phú Đô chưa có phong trào học tập. Nhiều phụ huynh thấy con bỏ học, các thầy cô giáo đến tận nhà vận động học sinh đi học trở lại nhiều lần, nhưng họ vẫn chỉ suy nghĩ rất đơn giản là con em mình không thích học nên đồng ý cho các cháu nghỉ học để đi làm kiếm tiền.

 

Với điều kiện thực tế ở Phú Đô hiện nay, nếu không có những giải pháp sát thực và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng thì công tác phát triển Đảng, tách chi bộ sinh hoạt ghép sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, thời gian đại hội đảng bộ các cấp đã đến gần. Kiểm điểm lại các mục tiêu đề ra trong nghị quyết, trong đó có chỉ tiêu phát triển đảng viên, chia tách chi bộ ghép của Đảng bộ xã chắc chắn không đạt kế hoạch đề ra. Thiết nghĩ, Đảng bộ xã cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này và căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở để có những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Cụ thể, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức vì phong trào chung, cũng như sự tiến bộ của bản thân.

 

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Nếu mỗi tổ chức đoàn thể đều có những hoạt động thiết thực, tập hợp được đoàn viên, hội viên tham gia thì từ đó có thể phát hiện các nhân tố mới để giới thiệu cho  tổ chức đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp. Bên cạnh đó, xã cần phát động các phong trào, nhất là đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, tạo khí thế mới trong học tập, từ đó góp phần nâng cao trình độ dân trí, cũng như chất lượng nguồn nhân lực địa phương, tạo nguồn phát triển Đảng bền vững.