Bộ Giao thông - Vận tải nhận được chất vấn của đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng về chất vấn liên quan đến chính sách bồi thường, giải tỏa đất đai hành lang giao thông. Báo Thái Nguyên đăng chất vấn và trả lời:
Câu hỏi: Hành lang an toàn giao thông có ý nghĩa rất lớn trong phát triển và vận hành của hệ thống giao thông nhưng hiện nay có rất nhiều vướng mắc, nhiều vi phạm. Một trong những nguyên nhân cơ bản là chính sách bồi thường, giải tỏa đất đai nằm trong hành lang an toàn giao thông chưa được quan tâm. Tôi xin nêu 2 ví dụ:
1. Đối với các dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp quốc lộ (đã có hành lang an toàn giao thông) thì vẫn tồn tại bất cập ở chỗ có 2 loại hành lang giao thông với 2 khung chế độ chính sách:
- Loại giải tỏa theo Nghị định 203 (vào năm 1990-1991): Không có thu hồi nên không được bồi thường.
- Loại giải tỏa (thực tế là giải phóng mặt bằng) sau năm 1993-1994: Nhà nước thu hồi nên được bồi thường.
Sự chênh lệch quá lớn về chính sách giữa hai loại hành lang giao thông là nguyên nhân gây nhiều ách tắc, vướng mắc và khiếu kiện.
2. Đối với các dự án mới:
Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong phần hành lang an toàn giao thông của các dự án mới về giao thông thì hầu như chưa có chính sách hỗ trợ, bồi thường, mặc dù chịu rất nhiều hạn chế, thiệt thòi: Không được xây dựng các công trình nhà ở… kiên cố, trồng các loại cây lưu niên có độ cao che khuất tầm nhìn…
Xin đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải sẽ đề xuất với Chính phủ những giải pháp cụ thể nào để giải quyết vấn đề trên?
Về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
I. Về chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa đất đai nằm trong hành lang an toàn giao thông đối với các dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp quốc lộ được chia thành hai giai đoạn thực hiện dưới đây:
1. Giai đoạn từ sau năm 1982 đến Luật Đất đai sửa đổi năm 1993:
Thi hành Hiến pháp năm 1980, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 29-12-1987 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước giao đất cho các đối tượng có nhu cầu để sử dụng ổn định lâu dài, có thời hạn hoặc tạm thời theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được duyệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó. Tại khoản 5, Điều 49, Luật Đất đai năm 1987 quy định: "Khi đất đang sử dụng bị thu hồi vì nhu cầu của Nhà nước hoặc xã hội thì được đền bù thiệt hại thực tế và được giao đất khác".
Đối với việc đền bù giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ:
Ngày 21-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành "Điều lệ bảo vệ đường bộ" kèm theo Nghị định số 203/HĐBT. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc giải quyết những vấn đề về sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ và là mốc thời gian để xác định và xử lý những vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Tại Điều 8 của Nghị định quy định như sau: "Trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ:
1. Nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán, kho tàng, công trình (tạm thời hoặc vĩnh cửu) hay lấy cắp đất, đá...
2. Những nhà cửa, công trình, kho tàng, v.v… đã có trước ngày ban hành điều lệ này nếu xét thấy không ảnh hưởng tới sự ổn định, bền vững của cầu đường và an toàn giao thông thì tạm thời được để lại nhưng không được phát triển thêm. Trường hợp cần thiết phải rời bỏ hoặc thu hẹp lại thì giải quyết như sau:
a) Các công trình, nhà cửa, v.v… thuộc địa phương quản lý hay của nhân dân thì Uỷ ban nhân dân tỉnh thông báo cho các cơ quan, xí nghiệp hoặc nhân dân có tài sản đó rời đi trong một thời gian nhất định và cùng Bộ Giao thông vận tải xét bồi thường, nếu có giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền.
b) Các công trình, nhà cửa, v.v… thuộc cơ quan trung ương quản lý và trước đây xây dựng có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền thì Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh bàn với cơ quan có tài sản đó giải quyết hoặc trình Hội đồng bộ trưởng xem xét và quyết định".
Ngày 03-1-1990 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 06/CT về việc thực hiện Nghị định số 203/HĐBT ngày 21-12-1982 về Điều lệ bảo vệ đường bộ quy định:
Tại khoản 2 Mục 1: "Trên các quốc lộ, đặc biệt đối với quốc lộ I, kể từ ngày ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ (ngày 21-12-1982), tất cả các công trình như đường điện, đường bưu điện, mương máng thuỷ lợi, các công sở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà ở, lều quán của tư nhân, v.v… đã làm trong lưu không do các cấp chính quyền, phường, xã, quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố cấp đất hoặc tự ý xây dựng là vi phạm luật lệ. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký Quyết định này, các cơ quan và tư nhân vi phạm phải di chuyển các công trình nói trên ra khỏi hành lang của luu không (từ chân mái đường đắp hoặc đỉnh mái đường đào ra mỗi bên 20 mét). Nhà nước miễn phạt và không đền bù. Những đoạn quốc lộ đi trùng với đường đô thị sau khi đã được nâng cấp đúng với quy hoạch được duyệt, thì hành lang bảo vệ đường là bề rộng của vỉa hè".
Tại khoản 3, Mục I: "Các công trình đã có trong phạm vi lưu không, từ trước ngày ban hành Nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982, nếu chưa di chuyển phải tiếp tục di chuyển. Sau khi chính quyền địa phương, xã, huyện, hoặc tỉnh, thành phố, đặc khu đã xác minh rõ ràng, Nhà nước sẽ tuỳ theo từng trường hợp cụ thể để đền bù theo quy định hiện hành. Trường hợp công trình nằm trên hành lang bảo vệ, không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến việc bảo vệ đường, việc di chuyển gây tốn kém, lãng phí lớn, thì Bộ Giao thông vận tải xét cho tạm thời chưa di chuyển nhưng phải cam kết thực hiện theo Điều lệ bảo vệ đường bộ và di chuyển ngay khi mở rộng đường."
Như vậy, thời kỳ này chưa hình thành chính sách thu hồi đất, nguyên nhân khi đó đất đai chỉ xem là tài nguyên có giá trị sử dụng, mắt khắc do điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn này chưa phát triển và nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhu cầu thu hồi đất cũng không lớn, việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng các công trình giao thông đường bộ rất hạn chế, Nhà nước chỉ xem xét bồi thường các công trình xây dựng, nhà cửa nằm trong đất hành lang an toàn đường bộ phải giải tỏa (nếu có giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền).
2. Giai đoạn Luật Đất đai sửa đổi năm 1993 đến Luật Đất đai 2003
Hiến pháp mới năm 1992 vẫn qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước giao đất cho thuê đất cho các tổ chức và các nhân sử dụng ổn định. Tại Điều 27, Luật Đất đai sửa đổi năm 1993 quy định: "trong trường hợp cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại", và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất thì có quyền thu hồi đất đó.
Căn cứ Luật Đất đai sửa đổi năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 90/CP ngày 17-08-1994 "về việc đền bù thiệt hại về đất và tài sản khi Nhà nước thu hồi đất"; Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998 "về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng"; Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03-12-2004 "về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007).
Như vậy, với các chính sách, pháp luật về đất đai nêu trên, Nhà nước thu hồi đất thì được đền bù (bồi thường) thiệt hại về đất, được đền bù (bồi thường thiệt hại về tài sản và được hỗ trợ…
II. Về các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong hành lang an toàn giao thông của các dự án mới về giao thông hầu như chưa có chính sách hỗ trợ bồi thường mặc dù chịu rất nhiều hạn chế thiệt thòi: Không được xây dựng các công trình nhà ở… kiên cố, trồng các loại cây lưu niên có độ cao che khuất tầm nhìn…
Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07-12-1999 "quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ" và Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07-11-2005 "hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05-12-2004 của Chính phủ".
Thực tế việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và việc đền bù giải phóng mặt bằng đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ vẫn còn một số bất cập: Do nguồn kinh phí GPMB quá lớn nên việc bồi thường, hỗ trợ giải tỏa đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ chỉ được giải phóng mặt bằng đến diện tích chiếm dụng vĩnh viễn khi Nhà nước triển khai xây dựng các dự án về giao thông, còn các trường hợp đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ (trong mốc lộ giới) chưa được bố trí kinh phí để bồi thường, hỗ trợ GPMB do vậy bị hạn chế về quyền khai thác, sử dụng và ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động kinh tế của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
III. Đề xuất của Bộ GTVT với Chính phủ và những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề nêu trên:
- Loại giải tỏa theo Nghị định số 203/HĐBT (1990-1991): Thực hiện theo đúng Nghị định, không hồi tốt.
- Đối với các dự án mới thực hiện theo Luật Đất đai sửa đổi năm 1993, Luật Đất đai năm 2003: Bộ Giao thông vận tải sẽ cố gắng báo cáo Chính phủ bố trí đủ vốn để giải phóng mặt bằng và quản lý hành lang an toàn theo quy định; các dự án chưa bố trí vốn để giải quyết hành lang an toàn thì người dân vẫn duy trì hạ tầng trên đất hiện có, bảo đảm sinh hoạt làm ăn bình thường nhưng không xây dựng mới kiên cố, không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông. Bộ kiên trì báo cáo chính phủ từng bước bố trí vốn giải quyết. Đất nước còn khó khăn, vốn không đủ, vì vậy cần vận động nhân dân cùng chia sẻ với Chính phủ để từng bước giải quyết.
- Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trâth tự an toàn đường bộ, đường sắt, trong đó quy định:
+ Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đề xuất với Chính phủ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định nhằm hoàn thiện thể chế quản lý đảm bảo phù hợp với yêu cầu về quản lý lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
+ Rà soát, phân loại và thống kê các công trình vi phạm nằm trong hành lang an toàn đường bộ và có biện pháp xử lý các tồn tại đến năm 2020.
+ Khi triển khai các dự án xây dựng mới, nâng cấp cải tạo tuyến quốc lộ phải triển khai đồng bộ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hết hành lang an toàn đường bộ.
- Về phía các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc ở các dự án triển khai, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm an toàn và sự bền vững của các công trình giao thông.
Bộ giao thông vận tải xin trân trọng cảm ơn ý kiến của Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đóng góp ý kiến cho ngành Giao thông vận tải. Đề nghị Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng chuyển các thông tin đến cử tri các cơ quan chức năng để cùng với ngành Giao thông vận tải thực hiện tốt hơn công tác quản lý và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn cả nước.