Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời ý kiến của cử tri Thái Nguyên

15:51, 01/10/2009

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời các vấn đề mà cử tri tỉnh Thái Nguyên nêu do Ban Dân nguyện - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 151/BDN ngày 17-7-2009 và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 5240/VPCP-TH ngày 03-8-2009. Báo Thái Nguyên đăng tải nội dung trả lời.

 

1. Việc khai thác và chế biến khoáng sản đã gây ra nhiều tác động xấu trực tiếp đến đời sống của những người dân trong và quanh vùng như: ô nhiễm môi trường, đường giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng, người dân bị thu hồi đất không có tư liệu sản xuất, trình độ tay nghề thấp khi vào làm ở các doanh nghiệp, dự án nên đã bị sa thải… Đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách để doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tại các địa phương giải quyết ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

 

Trả lời: Các chính sách lien quan đến bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng trong khai thác, chế biến khoáng sản đã được quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, theo đó:

 

- Điều 3a (bổ sung) của Luật Khoáng sản quy định: "Việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải theo quy hoạch được cơ quản Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, tài nguyên khác, cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử - văn hóa; tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

- Điều 7 Luật Khoáng sản quy định:

- Căn cứ vào nguồn thu từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, Nhà nước hàng năm dành một khoản từ ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến; tạo điều kiện ổn định sản xuất và đời sống cho bộ phận nhân dân nơi có khoảng sản được khai thác, chế biến phải thay đổi nơi cư trú, nơi sản xuất.

- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác, chế biến khoáng sản có trách nhiệm kết hợp yêu cầu của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai tại địa phương theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được chấp thuận; ưu tiên thu hút lao động tại địa phương vào hoạt động khoáng sản và các dịch vụ liên quan.

- Khoản 6 Điều 44 Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản quy định: báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật là một trong các căn cứ để xét cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản.

 

Như vậy, căn cứ theo các nội dung nêu trên, các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng trong khai thác, chế biến khoáng sản đã được thể chế hóa khá đầy đủ trong pháp luật về khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. Để đảm bảo thực hiện các chính sách nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ và các địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật.

 

2. Đề nghị bổ sung vào Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29-7-2004 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10-5-2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150 của Chính phủ về quy định việc tịch thu các phương tiện vận chuyển, thiết bị chế biến khoáng sản trái phép và quy định rõ thẩm quyền tịch thu để tăng cường hiệu quả quản lý khoáng sản

 

Trả lời: Thực hiện Chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản để thay thế Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29-7-2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10-5-2004/NĐ-CP ngày 29-7-2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Vấn đề cử tri nêu đã được xử lý trong Dự thảo Nghị định này. Cử tri có thể tham khảo nội dung và đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định trên Trang tin điện tử của Chính phủ tại Website: http://www.chinhphu.vn.

 

3. Việc thực hiện thỏa thuận bồi thường đối với người sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế không thuộc trường hợp Nhà nước phải thu hồi đất (dự án nhóm C) đang phát sinh một số bất cập như: thỏa thuận bồi thường giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất không thống nhất do vậy gây khó khăn cho nhà đầu tư; các dự án do nhà thầu đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất có mức bồi thường cao hơn so với chính sách bồi thường của Nhà nước do đó gây khó khăn cho dự án đầu tư trên cùng địa bàn, nhất là đối với các dự án sử dụng từ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, đề nghị chính phủ có quy định mức trần trong việc đền bù làm cơ sở cho việc thỏa thuận mức bồi thường đối với các dự án không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất.

 

Trả lời: Hiện nay, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 56 của Luật Đất đai năm 2003 thì một trong những nguyên tắc định giá đất của Nhà nước là phải bảo đảm "Sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp", trong khi đó thì giá thị trường là không có "trần". Điều đó đồng nghĩa với việc không có giá "trần" khi thỏa thuận. Đây là vấn đề mà Chính phủ đang rất quan tâm và đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất để có giải pháp thích hợp. Trong nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kiến nghị xử lý vấn đề mà cử tri quan tâm.

 

Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề mà cử tri tỉnh Thái Nguyên hỏi liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.