Sáng 13/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Phiên họp tập trung đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng trong quý III, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trong quý IV năm nay.
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thủ tục hành chính theo hướng công khai minh bạch, phân cấp và làm rõ trách nhiệm, nhất là các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thuế, quản lý và sử dụng đất đai, cổ phần hoá và chi tiêu công. Đây là những lĩnh vực còn nhiều bất cập nên tham nhũng là rất lớn.
Nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng quý III là nhiều địa phương đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng mà tiêu biểu là tỉnh Bình Thuận đã xử lý 25 trường hợp. Các cơ quan pháp luật đã khởi tố, truy tố và xét xử: 165 vụ án tham nhũng với 292 bị can và 94 bị cáo. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng tồn đọng, kéo dài mà dư luận xã hội quan tâm đã đưa ra xét xử như: vụ Huỳnh Ngọc Sỹ (TP Hồ Chí Minh), vụ Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ)…
Trong 17 vụ án trọng điểm thì 5 vụ đã đưa ra xét xử và đình chỉ điều tra 1 vụ; 3 vụ đã kết thúc điều tra. Viện kiểm sát nhân dân cũng đã hoàn thành cáo trạng chuyển Tòa án xét xử 4 vụ xảy ra tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng công ty vật tư nông nghiệp, Ban điều hành Đề án 112 và vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở phường Phú Thượng, Dự án khu đô thị Nam Thăng Long (Tây Hồ-Hà Nội). Các thành viên Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cũng nêu các giải pháp khắc phục những vướng mắc liên quan sự thiếu thống nhất về quan điểm xử lý giữa các ngành nội chính dẫn đến xử lý vụ án chậm, tỷ lệ đình chỉ điều tra bị can còn lớn; khó khăn trong công tác giám định; vấn đề án treo còn nhiều, quản lý người bị án treo còn lỏng lẻo, mức án xét xử tham nhũng còn nhẹ; thanh tra phát hiện vụ việc tham nhũng ít và kiến nghị thu hồi còn thấp; tình trạng nhũng nhiễu của nhiều cán bộ, công chức gây bức xúc trong xã hội…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng trong quý III và 7 nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV đưa ra tại phiên họp. Thủ tướng khẳng định: Từ đầu năm đến nay, Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ, các ngành và các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng nên kết quả đạt được rất thiết thực với sự chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực, nhất là công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã nâng cao ý thức và trách nhiệm đấu tranh phòng chống tham nhũng của các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Các ngành, các cấp còn tích cực hoàn thiện thể chế, triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ tham nhũng, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những vấn đề còn bức xúc, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng. Đó là một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả vẫn chưa cao, nhất là liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách thuế, quản lý và sử dụng đất đai, cổ phần hoá, chi tiêu công chưa thực sự công khai và minh bạch. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các ngành còn nhiều vướng mắc nên đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao nhất…
Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện thiết thực Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tập trung hoàn thiện thủ tục hành chính theo hướng công khai minh bạch, phân cấp và làm rõ trách nhiệm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm toán nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó đề xuất các biện pháp khắc phục những kẻ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng trên tinh thần khách quan, nghiêm túc và thận trọng; các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử phối hợp chặt chẽ với nhau, sớm ban hành quy chế phối hợp để xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng còn tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong dư luận, hạn chế thấp nhất tình trạng trả lại hồ sơ giữa các ngành chức năng…
Cùng với hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của ngành và lĩnh vực được giao, Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phối hợp tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai tích cực và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, đồng thời hướng dân kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tại các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng triển khai tuyên truyền các biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, khuyến khích phát hiện tham nhũng và các kẽ hở trong các quy định của luật pháp./.