Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5225/VPCP-TH ngày 03/8/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trả lời các ý kiến, kiến nghị liên quan đến hoạt động Ngân hàng. Báo Thái Nguyên trích đăng nội dung trả lời liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri Thái Nguyên.
1. Các kiến nghị liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất:
1.1.Về kiến nghị tạo cơ chế thực hiện gói kích cầu theo hướng thuận lợi, định mức cho vay phù hợp, mức hỗ trợ lãi suất cao hơn (kiến nghị của cử tri tỉnh và thành phố: Đà Nẵng, Thái Nguyên, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Thanh Hóa): Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi áp dụng; nguyên tắc, điều kiện, thời hạn, mức tiền cho vay; hồ sơ vay vốn; phương thức, quy trình, trách nhiệm của khách hàng và ngân hàng khi thực hiện hỗ trợ lãi suất nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức tín dụng và khách hàng trong việc thực hiện và tiếp cận vốn vay hỗ trợ lãi suất.
- Về thủ tục cho vay vốn: Việc cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn của tổ chức, các nhân được thực hiện theo cơ chế tín dụng thông thường. So với hồ sơ cho vay thông thường, hồ sơ vay vốn hỗ trợ lãi suất chỉ phải bổ sung thêm Giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất theo mẫu in sẵn của ngân hàng thương mại (làm 01 lần khi phát sinh khoản vay lần đầu) và Giấy xác nhận số tiền lãi được hỗ trợ, làm cơ sở cho ngân hàng thương mại xác định hỗ trợ lãi suất và hạch toán, thống kê số tiền hỗ trợ lãi suất để báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
- Về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích vay vốn hỗ trợ lãi suất đối với trường hợp thu mua hàng nông sản thủ công của nông dân: Tại công văn số 2244/NHNN-CSTT ngày 2-4-2009, điểm b, mục 2, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn khách hang vay là tổ chức sử dụng tiền vay để thanh toán tiền mua nông, lâm, thuỷ sản và các hàng hóa khác cho bên bán là cá nhân, hộ gia đình, khách hàng được sử dụng phiếu hoặc bảng kê mua hàng hóa có xác nhận của bên mua và bên bán để làm chứng từ chứng minh mục đích vay vốn hỗ trợ lãi suất. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân vay vốn hỗ trợ lãi suất đối với trường hợp thu mua hàng nông sản, hàng thủ công của nông dân.
- Về định mức cho vay: Mức tiền cho vay hỗ trợ lãi suất được xác định phù hợp với nhu cầu vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng vay. Ngân hàng Nhà nước không quy định định mức cho vay hỗ trợ lãi suất.
- Về mức hỗ trợ lãi suất: Mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng từ tháng 2-2009 đến nay phổ biến ở mức 8-10,5%/năm. Đối với các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn được hỗ trợ lãi suất, thì mức lãi suất thực tế khách hàng phải trả cho ngân hàng thương mại chỉ còn 4,5-6%/năm; trường hợp vay vốn để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ, thì lãi suất cho vay thực tế bằng 0%. Đây là mức hỗ trợ đáng kể giúp doanh nghiệp và người dân giảm chi phí vay vốn (50%-100%), phù hợp với nguồn tiền ngân sách nhà nước cân đối để thực hiện gói kích cầu.
Thực hiện yêu cầu của Ban Dân nguyện của Quốc hội tại Công văn số 151/BDN ngày 17/7/2009 về việc giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động ngân hàng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, trên cơ sở tập hợp các kiến nghị liên quan đến hoạt động Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trả lời theo các nhóm vấn đề. Báo Thái Nguyên trích đăng tải nội dung trả lời liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri Thái Nguyên.
2.Các kiến nghị khác liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng:
2.1. Về đơn giản hóa thủ tục vay vốn ngân hàng (kiến nghị của cử tri tỉnh Long An, Kiên Giang, Nghệ An, Thái Nguyên, Hải Dương): Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hangg do Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc và khung pháp lý chung. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng chủ động ban hành các quy định về quy trình, thủ tục cho vay áp dụng trong đơn vị mình. Hiện nay, quy trình cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng đã có nhiều đổi mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng. Thời gian giải quyết cho vay đã được rút ngắn, khả năng thẩm định khoản vay của tổ chức tín dụng đã được nâng cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã tích cực mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch để thu hút vốn, mở rộng cho vay và cung ứng các dịch vụ cho doanh nghiệp, người dân;lập các tổ cho vay lưu động để tiếp cận và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng; thực hiện công khai hóa tại trụ sở giao dịch của ngân hàng mình những thông tin cần thiết về quy trình, thủ tục vay vốn để khách hàng nắm bắt và thực hiện.
2.4. Về hỗ trợ vay vốn cho người nông dân sản xuất chè với mức vay từ 30 triệu đồng trở lên/ha, lãi suất ưu đãi và thời gian vay từ 3 năm trở lên (kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên): Theo quy định tại Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 23-01-2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2009/TT-NHNN ngày 03-02-2009 của Ngân hàng Nhà nước, thì các tổ chức, cá nhân, trong đó có người nông dân vay vốn sản xuất chè (dưới 12 tháng) bằng đồng Việt Nam được hỗ trợ 4%/năm lãi suất vay vốn, thời gian hỗ trợ lãi xuất tối đa là 08 tháng, kể từ ngày giải ngân, áp dụng trong năm 2009 đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01-02 đến ngày 31-12-2009.
Mức vốn cho vay tuỳ thuộc vào chi phí thực tế tính trên 01 ha tại thời điểm vay vốn, thời hạn cho vay căn cứ vào chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất cần trực tiếp liên hệ với ngân hàng thương mại tại địa phương để được xem xét cho vay và hỗ trợ lãi suất theo quy định hiện hành của pháp luật.